Tô Đại có sử dụng “con bài” Nhàn AIC để mặc cả tiếp với Thủ Chính?

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) – người đang bỏ trốn, lại tiếp tục bị Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lên lịch xét xử vắng mặt, trong vụ án thứ 3.

Trước đó, vào cuối năm 2022, với vai trò chủ mưu trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ, xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội phạt 30 năm tù. Vào tháng 10/2023, bà Nhàn lại bị Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với bản án 10 năm tù, vì các sai phạm trong việc cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.

VnExpress ngày 7/7 đưa tin “Xét xử vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn mua chuộc cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh”. Bản tin cho biết, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét xử bà Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty AIC, đang trốn truy nã, cùng với cựu Phó Tổng Giám đốc AIC Trần Mạnh Hà, và Trưởng Văn phòng đại diện AIC tại thành phố Hồ Chí Minh Trần Đăng Tấn, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”, vào ngày 10/7.

Được biết, đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xét xử vắng mặt, với cáo buộc gây thiệt hại 94,6 tỷ đồng, trong vụ thông thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, bà Nhàn bị cáo buộc, chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ 6 lần, với tổng số tiền 14,4 tỷ đồng, cho ông Dương Hoa Xô – 64 tuổi, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh, để được trúng 8 gói thầu. Ông Xô bị truy tố tội danh nhận hối lộ.

Ngoài ra, bà Trần Thị Bình Minh – cựu Phó Giám đốc; và ông Phan Tất Thắng – cựu Phó phòng Kinh tế, thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tám bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo giới quan sát, bà Nhàn là một người có mối quan hệ chặt chẽ với giới chức lãnh đạo cao cấp Việt Nam, đặc biệt là với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước đó, vào tháng 8/2023, truyền thông của Cộng hòa Liên bang Đức đã công khai tin, bà Nhàn đang ẩn náu tại Đức, sau một thời gian lẩn trốn ở Anh Quốc. Thông tin còn cho biết, phía Bộ Công an Việt Nam có yêu cầu chính quyền Berlin phối hợp, để dẫn độ bà Nhàn về Việt Nam. Tuy vậy, yêu cầu này đã bị từ chối, và Chính phủ Đức đã cảnh báo Hà Nội không được bắt cóc bà Nhàn trên lãnh thổ Đức.

Hiện có những ý kiến cho rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm là 2 ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt nam, tại Đại hội 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.

Dẫu rằng, nguồn tin nội bộ khẳng định, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính đều là những đàn em của cựu Thủ tướng Ba Dũng. Nghĩa là, 2 ông này cùng phe. Nhưng trong cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực bậc nhất này, sẽ không có sự khoan nhượng.

Đặc biệt, những ngày gần đây, trong các hội nghị đặc biệt quan trọng, như Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, hay Hội nghị Quân ủy Trung ương, với sự vắng mặt của Tổng Trọng vì lý do sức khỏe, người ta thấy, Chủ tịch nước Tô Lâm có nhiều dấu hiệu làm thay Tổng Trọng trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương.

Theo giới quan sát, những biểu hiện vừa kể cho thấy, khả năng cao, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ giữ cương vị người đứng đầu Đảng và nhà nước, theo mô hình “nhất thể hóa” – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước – của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

Dù rằng, việc đưa bà Nhàn ra xét xử tại vụ án thứ 3, là công việc của hệ thống tòa án, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, ông Chính cần phải cẩn thận. Dù rằng, ông Tô Lâm và Bộ Công an được cho là đã bó tay trong việc đưa bà Nhàn AIC về Việt Nam. Nhưng ông Tô Lâm vẫn có thể sử dụng “con bài” Nhàn AIC, để mặc cả với ông Chính./.

 

Trà My – Thoibao.de