Tương lai Tổng Trọng sẽ ra sao, khi Tướng Quân đội – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng phản đối?

Trọng tâm của bối cảnh hiện nay, liên quan đến nhân sự Tổng Bí thư, sẽ thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng, khi ông rút lui khỏi chính trường sau Hội nghị Trung ương 10 khóa 13. Hai ứng viên hàng đầu là Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Báo Người Lao Động ngày 9/7 đưa tin “Thường trực Ban Bí thư Lương Cường: Công tác nhân sự phải lựa chọn đúng người”. Bản tin cho biết, sáng 9/7, Hội nghị Toàn quốc đã khai mạc, với nội dung quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35- CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng 14.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, và trên 1,28 triệu cán bộ, đảng viên tham dự thông qua hệ thống cầu truyền hình trên cả nước.

Theo đó, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường chủ trì Hội nghị, đã lưu ý, việc chuẩn bị công tác nhân sự phải đúng quy trình, lựa chọn đúng người; không để lọt cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy.

Lập tức, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư – nhân vật được mệnh danh là Phó Tổng Bí thư, dường như đã bắt đầu đóng vai trò thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng, trong vai trò Trưởng tiểu ban Nhân sự của Đại hội 14. Tới mức, cả Chủ tịch nước Tô Lâm, và Thủ tướng Phạm Minh Chính ngồi phía dưới cũng phải chăm chú lắng nghe.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản biện, cho rằng, việc Thường trực Ban Bí thư đi lên từ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, rồi lên ghế Thường trực Ban Bí thư, để sau đó trở thành Tổng Bí thư đã từng có tiền lệ.

Cụ thể, tại Đại hội Đảng lần thứ 8, Tướng Lê Khả Phiêu – người từng ngồi ghế Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sau đó lên Thường trực Ban Bí thư, đến năm 1997, ông trúng Tổng Bí thư nhiệm kỳ 1997 – 2001, sau khi Tổng Bí thư Đỗ Mười bất ngờ xin nghỉ.

Đại tướng Lương Cường cũng có một quan lộ na ná Tướng Lê Khả Phiêu. Đến nay, Tướng Cường lại chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW 9 về Công tác Nhân sự. Phải chăng, đây là dấu hiệu cho thấy, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ trở thành tân Tổng Bí thư của Đại hội 14?

Cũng liên quan đến Hội nghị Toàn quốc này, theo giới phân tích, các trường hợp cán bộ có sai phạm, vi phạm, hay năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, tại sao không được thay thế kịp thời? Tại sao không được xử lý rốt ráo, nghiêm khắc, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, mà lại để dây dưa kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác? Tại sao, nhiều trường hợp chờ kỷ luật từ Đại hội trước, nhưng lại được cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa sau, còn tiếp tục leo lên Ủy viên Bộ Chính trị, để sau đó, chỉ trong nửa nhiệm kỳ đã có hàng loạt bị cho thôi chức.

Việc Tướng Quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, lên tiếng tại Hội nghị toàn quốc này, khi cho rằng, trong công tác nhân sự, việc “có lên, có xuống dần thành văn hóa, việc bình thường trong công tác cán bộ”. Không chỉ vậy, trước đó, ngày 9/5, khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, Tướng Nghĩa nói, “sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên” là một trong các lý do khiến Bộ Chính trị phải ban hành quy định này.

Bỏ qua câu chuyện Tướng Nghĩa, với vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, theo thông lệ, phải là Ủy viên Bộ Chính trị như đã thấy qua nhiều kỳ đại hội Đảng. Vậy mà, sau Đại hội 13 ,Tướng Nghĩa vẫn bị bỏ quên với chức Ủy viên Trung ương.

Để rồi tới khi, tình hình nguy cấp tới mức, “lửa đã gần xém râu” của Tổng Trọng, và khi đã nhận ra tầm quan trọng của Quân đội, tại Hội nghị Trung ương 9, ông Trọng đã cho tháo khoán 4 ghế uỷ viên Bộ Chính trị, trong đó có suất cho Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Có thể nói, phát biểu của Tướng Nghĩa – người phụ trách ngành Tuyên giáo, một công tác quan trọng hàng đầu của Đảng về lĩnh vực tư tưởng, là tiếng nói đại diện cho tướng lĩnh Bộ Quốc phòng, đã nói không ủng hộ Tổng Trọng. Cho dù, trên nguyên tắc, đến giờ phút này ông Trọng vẫn là người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong lúc, chỗ dựa của Tổng Bí thư lâu nay là lực lượng “thanh bảo kiếm”, đã bị Bộ trưởng Tô Lâm làm phản, và chỗ dựa cuối cùng của ông Trọng, với một kết cục như vừa kể, thì Tổng Trọng không rút lui sớm nhất có thể mới là điều lạ!./.

 

Trà My – Thoibao.de