Ngày 19/7, Blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình luận “Sau Nguyễn Phú Trọng sẽ là một chương bất định?”
Theo đó, tác giả nhận định, trong chính trị, nhất là đối với một nền chính trị phức tạp như ở Việt Nam hiện nay, vào giai đoạn “hậu Nguyễn Phú Trọng” tới đây, thật khó mà vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa ra đi và dừng lại, giữa kết thúc và khởi đầu.
Tác giả nêu lên điểm bất định đầu tiên, một trong những câu hỏi lớn mà giới quan sát gần đây đặt ra là, cái lò “nhân văn, nhân nghĩa, nhân tình” của ông Trọng sắp tới, có còn đượm mùi củi lửa nữa hay không? Giới phân tích cũng nói nhiều về “sự toàn thắng” của tân Chủ tịch nước Tô Lâm, nhưng rất ít ai có thể đưa ra lời dự báo.
Liệu Tô Lâm sẽ hạ nhiệt “cái lò bát quái” đang cháy, hay sẽ tiếp tục săn lùng thêm những “bầy sâu bự”, nhằm dẹp nốt mọi mầm mống chống đối trên con đường tiến lên ghế Tổng Bí thư. Hơn nữa, rất có thể, Tô Lâm sẽ “nhất thể hóa” luôn 2 chiếc ghế Tổng Bí thư và Chủ Tịch nước? Những câu hỏi ấy đều quá sớm để đưa ra câu trả lời.
Bất định thứ 2, theo tác giả, chưa thể chắc chắn một giai đoạn lịch sử mới đang ló dạng. Tin tức về lễ quốc tang, về việc ông Trọng được tặng Huân chương Sao Vàng, và việc Bộ Chính trị phân công ông Tô Lâm chủ trì công việc của Đảng, tuy có gây xúc động, nhưng vẫn cho thấy, sức khỏe của ông Trọng từ lâu đã không còn là “bí mật quốc gia”. Cho đến nay, những sự kiện trên cũng chỉ thu hút sự quan tâm của một bộ phận dân chúng và xã hội.
Tác giả nêu bất định thứ 3, đó là, tại sao Đảng không tuân thủ theo các nguyên tắc của Điều lệ, cử Thường trực Ban Bí thư thay thế Đảng trưởng, để điều hành hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, ít nhất cho đến cuộc họp của Trung ương? Liệu tất cả sẽ quy phục tân Chủ Tịch nước trong một sớm một chiều?
Tác giả hoài nghi về đường lối đối nội, đối ngoại, tới đây của tân Tổng Bí thư. Ông nhắc lại sự kiện sáng 10/1, khi Tô Lâm tiếp đón Trần Tư Nguyên – Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Trong buổi tiếp kiến đó, Tô Lâm đề nghị tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan Chủ nghĩa Xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý…
Đối với Tô Đại tướng, kịch bản “đả hổ diệt ruồi” sao chép từ Tập Cận Bình có thể vẫn chưa đủ. Có chăng, tân Chủ tịch nước – ngay từ bấy giờ, muốn có một bản sao hoàn thiện hơn về đường hướng xây dựng Chủ nghĩa Xã hội?
Bất định thứ 5, theo Trần Đông A, là làn sóng phản ứng quốc tế đối với sự “lên ngôi” của Tô Lâm, cả về mặt Đảng lẫn chính quyền. Trong dịp tân Chủ tịch nước nhậm chức, hầu như rất ít các nguyên thủ quốc gia thế giới gửi điện chúc mừng.
Tác giả dẫn một nguồn tin nội bộ, cho biết, Bộ Chính trị có kế hoạch sẽ tổ chức một đại tang hoành tráng, với sự có mặt của các quan khách quốc tế, hay ít ra, có đại diện đoàn ngoại giao tham dự. Nhưng các thăm dò qua đường ngoại giao cho thấy, sự chấp nhận lời mời tới Hà Nội dự quốc tang không mấy thuận lợi.
Chưa rõ quyết định sau cùng của lãnh đạo Ba Đình sẽ như thế nào. Nếu một quốc tang mà chỉ có đại diện của Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, cùng với Lào và Campuchia tham dự, thì quá mất mặt.
Tác giả cho rằng, giấc mơ “Chết trên ngai vàng!” của Tổng Trọng đã thành hiện thực. Tuy nhiên, các kế hoạch khác ông chuẩn bị, để ngồi lại nhiệm kỳ thứ 4 đành bị dang dở… Di sản ông để lại còn hàng loạt các vấn đề cho hệ thống chính trị Việt Nam, mà ai kế vị ông cũng phải giải quyết.
Câu hỏi đặt ra là, đời sau sẽ nhớ những gì về ông Nguyễn Phú Trọng?
Tác giả dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng, di sản của ông Trọng là một người tham quyền cố vị, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, còn công cuộc đốt lò là hoàn toàn thất bại. Những di sản về đối ngoại thì chẳng phải của riêng ông, đó là quyết định tập thể.
Ý Nhi – Thoibao.de