Ngày 18/7, báo chí được phép đồng loạt đưa tin về tình trạng sức khỏe không tốt của Tổng Bí thư, dù thông tin đưa ra không được rõ ràng lắm.
Báo chí nhà nước chỉ cho biết, Tổng Bí thư đang được các bác sĩ chăm sóc, và chức vụ mà ông để lại, được trao cho ông Tô Lâm – Chủ tịch nước. Trong khi đó, thông tin từ nội bộ tuồn ra ngày 18/7 cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã chết não và thông báo chính thức về cái chết của ông Trọng, sẽ được công bố sau 1 – 2 ngày nữa.
Cộng sản vốn có truyền thống giấu giếm thông tin về tình trạng sức khoẻ của lãnh đạo. Từ thời ông Hồ Chí Minh, chính quyền Cộng sản cũng đã nói dối về ngày chết của ông. Thực tế, ông Hồ chết ngày 2/9/1969, nhưng chính quyền thông báo với công chúng là ngày 3/9/1969. Mãi 20 năm sau, chính quyền Cộng sản mới cho sửa lại.
Nếu lúc này, chính quyền lại thông báo sai ngày mất của ông Nguyễn Phú Trọng, thì chỉ phơi bày sự dối trá của Đảng, chứ chẳng đem lại ích gì.
Sau thông báo về sức khỏe của Tổng Trọng, chính quyền đã cho hoãn các chương trình vui chơi giải trí, diễn ra từ ngày 19/7 trở đi. Đồng thời, một số tờ báo đã điểm lại những hoạt động nổi bật trong sự nghiệp chính trị của ông. Việc làm này của giới báo chí nhà nước, như là sự gián tiếp xác nhận về cái chết của Tổng Trọng.
Tang lễ của ông Trọng sẽ là quốc tang. Trên danh nghĩa, ngày quốc tang là để tỏ lòng thương tiếc đối với ông Tổng Bí thư. Tuy nhiên, với Tô Lâm và nhóm Hưng Yên, thì cái chết của ông Trọng lại là thắng lợi lớn của họ. Ngay sau khi ông Trọng vừa chết não, là Tô Lâm đã giang tay, vơ hết quyền lực của ông. Hiện Tô Lâm như là một Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư.
Ngay sau khi Tô Lâm nắm được quyền lực mà ông Trọng để lại, ông đã ký trao tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Trọng. Mặc dù, theo báo chí, việc trao Huy chương là do Bộ Chính trị quyết định, tuy nhiên, ai cũng biết, Tô Lâm là người đứng đầu Bộ Chính trị lúc này. Báo chí cho biết, ông Tô Lâm đã trao Huân chương này tại giường bệnh của ông Trọng, ở Bệnh viện Quân y 108. Trên thực tế, ông Tô Lâm đã trao Huân chương cho một cái xác không hồn với các máy móc, thiết bị y tế duy trì sự sống thực vật. Đây được xem là một thứ ân huệ cuối cùng, mà kẻ chiến thắng ban cho kẻ chiến bại, đã vĩnh viễn từ giã cõi đời này.
Trong lúc Tô Lâm bị mang tiếng là “kẻ phản trắc”, thì việc trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Tổng Trọng, mang một ý nghĩa tuyên truyền có lợi cho ông Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước vẫn đối xử “tốt” với sếp, vẫn đánh giá cao cống hiến của Tổng bí thư.
Cái chết của ông Trọng sẽ là sự khởi đầu cho những cái chết khác – đấy là cái chết dành cho các nhóm quyền lực do ông Trọng dựng lên. Người đầu tiên có lẽ là Tướng Lương Cường. Lẽ ra, ông Cường phải là người tạm nắm quyền Tổng Bí thư thay ông Trọng. Tuy nhiên, ông Cường đã bị Tô Lâm loại ra rìa, xem như, Tướng Lương Cường đã hết cơ hội để kế thừa quyền lực ông Trọng.
Tô Lâm nắm thâu tóm hết quyền ông Trọng để lại, điều đó có nghĩa là, ông sẽ là Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, và là Bí thư Quân ủy Trung ương. Sau khi an táng ông Trọng, quyền lực của Tô Lâm sẽ được nâng lên gấp bội, và bàn cờ chính trị Việt Nam sang trang mới.
Chính trường Việt Nam trong những tháng qua, liên tục đảo chiều quá nhanh. Từ khi Tô Lâm nổi lên làm phản, cho đến khi thâu tóm hết quyền lực vào tay, chỉ trong vòng 4 tháng. Ông Tô Lâm thâu tóm quyền lực bằng thứ “bạo lực cách mạng”, bên trong nội bộ Đảng. Dự là hậu Nguyễn Phú Trọng, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục xảy ra thanh trừng mạnh mẽ. Với quyền lực ngày một lớn, với tham vọng quá lớn, Tô Lâm sẽ đẩy các thế lực còn lại vào thế phải chiến đấu, mang tính sống còn.
Tương lai không tốt cho phe đối nghịch với Tô Lâm, và cũng là điềm báo cho thấy, phe Hưng Yên sẽ không quá yên ổn, vì có quá nhiều kẻ thù.
Thái Hà – Thoibao.de