Từ lâu, truyền thông Nhà nước Việt Nam đã cơ ngợi Tổng Trọng, là người “đốt lò vĩ đại”, gắn với với chiến dịch chống tham nhũng, do ông phát động từ sau Đại hội 12.
Nhận định về di sản của ông Trọng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà phản biện đang sống ở Hà Nội, đưa ra nhận xét: “di sản của ông Trọng là một người tham quyền cố vị, kiên định chủ nghĩa Marx – Lenin, còn công cuộc “đốt lò” là hoàn toàn thất bại”.
Vietnamnet ngày 19/7, đã giới thiệu bài viết với tựa đề “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, của Đại tướng Tô Lâm. Giới quan sát nhận xét, đọc kỹ bài viết của ông Tô Lâm, dễ dàng nhận thấy, Chủ tịch nước cũng tránh không nói nhiều về công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng. Bài viết chủ yếu nhấn mạnh về hệ tư tưởng, và chiến lược xây dựng Nhà nước Pháp quyền của ông Trọng.
Điều đó hoàn toàn phù hợp với các đánh giá của công luận, đa phần các ý kiến đều thống nhất rằng, trong gần 3 nhiệm kỳ, trên cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã “thất bại” toàn tập trong công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng, và công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt.
Theo đó, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng, càng chống thì tình trạng tham nhũng ngày càng tràn lan, và phát triển như “nấm mọc sau mưa”. Quy mô tham nhũng tăng cả về chức vụ, cấp bậc quan chức bị xử lý, cũng như mức độ nghiêm trọng về số lượng tài sản tham nhũng thất thoát.
Sau Đại hội 12, khi công cuộc “đốt lò” được khởi động, các vụ án của Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… với số tiền thiệt hại do tham nhũng lên đến những con số khủng khiếp, vài chục hay vài trăm tỷ. Vậy mà, sau 8 năm, các đại án như “chuyến bay giải cứu”, đại án Việt Á, Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An… có số tiền hối lộ lên hàng chục triệu USD.
Đến thời gian gần đây, các vụ án đình đám như Tập đoàn Vạn Thịnh phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB), của bà “trùm” Trương Mỹ Lan, với số tiền thiệt hại lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng số tiền chuyển lậu ra nước ngoài, đã lên tới hàng tỷ USD. Theo giới quan sát, đó là chỉ mới kể đến các vụ việc đã phát lộ, vẫn còn đó nhiều vụ án khủng khiếp hơn, giá trị thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ, hoặc lớn hơn nhưng chưa được phép công bố.
Lâu nay, chính quyền Việt Nam đang nỗ lực đánh bóng tên tuổi, để xây dựng một một hình ảnh Tổng Trọng – rất thanh liêm và trong sạch. Nhưng cách đây hơn 20 năm, khi còn là Bí thư Thành uỷ Hà nội, ông Trọng đã dính một vết chàm cực lớn – đó là hồ sơ sai phạm, làm thất thoát đến 3.000 tỷ, trong Dự án Khu Đô thị Nam Thăng Long Hà Nội.
Theo bài viết “Nhà nước thiệt hại 3.000 tỷ đồng do quyết định duyệt giá đất của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội” của báo Tuổi Trẻ, năm 2006, vì một quyết định của Hà Nội, khi duyệt giá thu tiền sử dụng đất của Dự án Khu Đô thị Nam Thăng Long, sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai, mà ngân sách Nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỷ đồng. Được hưởng siêu lợi nhuận này là một nhà đầu tư bất động sản nước ngoài, Tập đoàn Ciputra. Và đổi lại, nhờ quyết định vừa kể, các lãnh đạo Hà Nội đã nhận những khoản “quà biếu trên mức tình cảm”, với giá trị rất lớn.
Hiện nay có tin đồn đoán cho rằng, vụ án Ciputra hình như được Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ động khơi lại, trong những ngày cuối đời của Tổng Trọng. Điều đó, nếu đúng thì có liên quan gì đến thái độ của số đông lãnh đạo cấp cao của Đảng. Phải chăng, họ đã bày tỏ sự bất bình, vì ông Trọng có ý ngồi lì, không chịu rời bỏ chiếc ghế Tổng Bí thư đầy quyền lực.
Một số người cho rằng, đây có thể là những động thái cho thấy, một đòn đánh chết người “quá đà”, trong sự tính toán của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhằm gây sức ép buộc Tổng Trọng phải chủ động rút lui, trước Hội nghị Trung ương 10 khóa 13, sẽ diễn ra vào đầu tháng 10/2024.
Điều vừa kể có tác động hay ảnh hưởng gì tới cái chết của Tổng Trọng hay không, đến nay vẫn là một câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.
Trà My – Thoibao.de