Liệu Tô Lâm có tiếp tục đàn áp nhân quyền khi nắm trọn quyền lực trong tay?

Ngày 24/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Quan ngại về viễn cảnh nhân quyền u ám thời Tô Lâm”.

Theo đó, một số chuyên gia nhân quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc, về viễn cảnh nhân quyền Việt Nam đầy u tối trong tương lai, khi ông Tô Lâm là người nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam.

RFA dẫn lời ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Uỷ ban cứu Người vượt biển, bày tỏ quan ngại, khi ông Tô Lâm, vốn đã “khét tiếng” với những vụ đàn áp nhân quyền, nay lại thâu tóm hết quyền lực, thì nhân quyền ở Việt Nam trong tương lai sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.

Theo ông Thắng, trong 13 năm ông Trọng làm Tổng Bí thư, gần như đã xóa bỏ hết tất cả những quy định, định chế, trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ví dụ như việc ông Trọng ở lại làm Tổng Bí thư đến nhiệm kỳ thứ 3.

“Khi chuyển giao lại cho Tô Lâm, thì các  định chế không còn nữa. Thành ra, Tô Lâm rất dễ dàng bước vào và ngồi trong cái ghế của ông Nguyễn Phú Trọng, và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cái sự độc đoán của một cá nhân” – ông Thắng nói.

Một nguyên nhân khác, khiến ông Thắng tin rằng, nhân quyền Việt Nam sẽ tụt dốc hơn nữa, vì ông Tô Lâm giờ đây đã làm Chủ tịch nước Việt Nam. Các nước trên thế giới thường ít khi chế tài Chủ tịch của một quốc gia khác.

RFA cũng dẫn nhận định của bà Minh Trang, Thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền, cho rằng, trong vòng 3 đến 5 năm tới, nếu không có một tác nhân nào đặc biệt xảy ra, thì tình hình nhân quyền sẽ tiếp tục xu hướng ngày càng xấu đi, dưới thời Tô Lâm điều hành đất nước.

Tháng 4/2016, ông Tô Lâm bắt đầu ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Theo bà Trang, kể từ đó, các nhà hoạt động chính trị, nhân quyền phải chịu các bản án tù dài hơn, lên đến hơn chục năm. Đơn cử như nhà hoạt động môi trường Hoàng Bình, ông Lê Đình Lượng, nhà báo Phạm Đoan Trang, các thành viên Hội nhà báo độc lập…

“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2023, 2024 còn tệ hơn rất nhiều, so với năm 2018. Năm 2018 thì chưa có chuyện đàn áp trên diện rộng, chưa có việc nhân viên của các tổ chức phi chính phủ có đăng ký bị bắt. Tình trạng này đã bắt đầu xảy ra từ năm 2020, 2021 kéo dài cho đến bây giờ” – bà Trang nhận xét.

Chính Bộ Công an, mà ông Tô Lâm là người đứng đầu, đã đề xuất Luật An ninh mạng, thông qua vào năm 2018. Luật này đã ảnh hưởng lớn, vi phạm gần như tất cả các quyền dân sự, chính trị của người dân Việt Nam.

Cũng theo bà Trang, thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nam còn bị xếp vào nhóm các quốc gia thực hiện hành vi đàn áp xuyên biên giới:

“Còn chưa kể là từ năm 2017 cho đến năm 2023, có 3 người Việt Nam bị bắt cóc tại nước ngoài, là Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất và Thái Văn Đường. Trong đấy có Trương Duy Nhất và Thái Văn Đường được coi là nhà hoạt động và vừa là nhà báo độc lập.”

RFA nhắc lại, vụ án Đồng Tâm đã làm rúng động dư luận cả trong nước và quốc tế. Đêm 9/1/2020, hơn 3.000 cảnh sát cơ động và các lực lượng công quyền khác đã nổ súng, tấn công vào thôn Hoành, xã Đông Tâm, giết chết cụ Kình và bắt đi 29 người thân của cụ.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, ông Tô Lâm đã tham gia vào các vụ đàn áp nhân quyền diện rộng và đẫm máu, từ khi còn làm Thứ trưởng Bộ Công an. Nổi cộm nhất là vụ ông chỉ đạo đàn áp 7000 người H’Mông ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vào năm 2011.

RFA trích lời ông Ben Swanton, Giám đốc tổ chức Dự án 88, phát biểu với hãng tin AP, rằng, Bộ Chính trị cầm quyền của Việt Nam do các quan chức an ninh hiện tại và trước đây thống trị. Ông Ben cho rằng, sự đàn áp và kiểm duyệt sẽ còn tăng cường hơn nữa trong tương lai.

 

Minh Vũ – thoibao.de