Hội nghị Trung ương 10 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đã bế mạc vào chiều 20/9, với kết quả được cho là không như ông Tô Lâm mong muốn.
Cách đây chưa lâu, giới quan sát đều khẳng định rằng, ông Tô Lâm chắc chắn sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Đại hội 14.
Theo một số ý kiến, những diễn biến trên chính trường Việt Nam, kể từ sau Hội nghị Trung ương bất thường ngày 3/8, khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư với các tuyên bố liên quan đến cải cách, được cho là đã đảo ngược một cách nhanh chóng.
Nhiều phát ngôn và hành động của ông cho thấy, ông sẽ không duy trì đường lối của người tiền nhiệm. Ông Tô Lâm là một chính khách thực dụng, không quan tâm đến vấn đề lý luận, và có thể sẽ tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng, về đường lối cũng như nhân sự lãnh đạo, mang dấu ấn của riêng mình.
Một số nhận định cho rằng, với chủ trương thân phương Tây và Hoa kỳ, ông Tô Lâm và phe cánh đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt, từ hệ thống quyền lực do Tổng Bí thư Trọng để lại. Tại Hội nghị Trung ương 10, ông và phe cánh đã mất nhiều hơn được.
Đáng chú ý, vấn đề sửa đổi Điều lệ Đảng là rất quan trọng, để khẳng định quyền lực của ông Tô Lâm, nhưng Hội nghị Trung ương lần này đã không thông qua và quyết nghị không sửa đổi trong Đại hội 14, mà sẽ giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 14 nghiên cứu. Dẫu rằng, việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng từng được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất, coi đó là vấn đề “rất lớn và hệ trọng”.
Hơn nữa, trong vai trò Trưởng Tiểu ban Văn kiện, cuối tháng 2/2024, Tổng Bí thư Trọng đã khẳng định, sẽ tổng kết kết quả 40 năm đổi mới, từ năm 1986 đến năm 2026, đồng thời sửa đổi Điều lệ Đảng trong Đại hội Đảng 14. Nhưng hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã quyết định rằng, trong Đại hội Đảng 14 sẽ không sửa đổi Điều lệ Đảng. Điều đó là một dấu hiệu cho thấy, số đông thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vẫn không tuân phục người đứng đầu Đảng hiện nay là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trái lại, ông Tô Lâm chỉ thành công trong nội dung thứ 2, đó là việc sửa đổi quy chế bầu cử, để xóa bỏ các quy định phi lý của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đề ra từ trước Đại hội 12. Về việc ứng cử, đề cử đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử, với mục đích loại bỏ ứng viên Nguyễn Tấn Dũng. Và kết quả cuối cùng đã buộc cựu Thủ tướng Ba Dũng đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị, và về quê làm người tử tế.
Theo một số ý kiến, sự thất bại của ông Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 lần này, cũng là lý do giải thích vì sao, kế hoạch thăm chính thức Hoa Kỳ của ông được cho là đã phá sản.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm cùng đoàn tùy tùng đã rời Hà Nội đi Hoa Kỳ, ngày 21/9, với mục đích làm việc tại Mỹ, chứ không phải là một chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ.
Mục đích chuyến đi này là tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, khóa 79, diễn ra tại New York, trong thời gian từ ngày 22 đến 24/9. Sau khi kết thúc chuyến công tác tại Mỹ, ông Tô Lâm sẽ thăm chính thức Cuba.
Nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch, tại kỳ họp thường niên vào tháng 10/2024, Quốc hội Việt Nam khóa 15 sẽ bầu Chủ tịch nước mới, thay cho ông Tô Lâm. Ông buộc phải “tự nguyện” rút lui khỏi chiếc ghế “nóng” này, trước áp lực trong nội bộ Đảng, đặc biệt là từ giới tướng lĩnh quân đội.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề, đó là, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ trở thành một lãnh đạo chuyên quyền và độc tài. Hơn thế nữa, ông đã và đang gấp rút tạo ra một cơ cấu quyền lực, mang tính gia đình trị, trong việc sắp xếp, bố trí và sử dụng các nhân sự, trấn giữ các vị trí quyền lực then chốt.
Đây là điều khiến phe tướng lĩnh quân đội tìm mọi cách phản kháng, và đưa ra tuyên bố, quân đội mới là trung tâm quyền lực chính trị, chứ không phải là công an.
Trà My – Thoibao.de