Ngày 21/9, BBC Tiếng Việt cho hay “Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào, tại sao?”.
BBC trích một hãng tin nước ngoài, theo đó, hôm 21/9 đưa tin, ông Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet đã tuyên bố, Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.
BBC cho biết, thời gian qua, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa và chống Việt Nam ở Campuchia, vốn âm ỉ từ lâu, đã bùng lên, liên quan đến Tam giác Phát triển. Lực lượng đối lập không ngừng lặp lại cáo buộc rằng, Campuchia nhượng đất cho Việt Nam khi tham gia sáng kiến này.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ gần một tháng, sau khi Việt Nam nhấn mạnh đến đến ý nghĩa của chiến lược, giữa lúc, làn sóng phản đối tại Campuchia đang dâng lên.
BBC dẫn lời cựu Thủ tướng Hun Sen, nói rằng, Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, trong 25 năm qua đã mang lại nhiều thành tựu phát triển, cho các tỉnh của Campuchia.
Tuy nhiên, ông Hun Sen cáo buộc:
“Những kẻ cực đoan đã sử dụng tam giác phát triển này, làm công cụ chính trị để vu khống, và công kích Chính phủ, bằng cách liên tục nói dối người dân, và khiến người dân bị nhầm lẫn.”
Ông cũng nhắc lại cáo buộc của phe đối lập, rằng, Chính phủ đã nhượng đất 4 tỉnh ở miền đông bắc cho nước ngoài, để kích động và kêu gọi người dân tham gia phản đối.
Ông Hun Sen nói rằng, cách làm việc của ông là “không ngồi dập khói, mà phải dập lửa hoàn toàn”.
Theo BBC, thông điệp của ông Hun Sen nhấn mạnh đến việc tước vũ khí khỏi tay lực lượng đối lập, tức là, khiến họ không còn cớ để công kích Chính phủ của ông.
BBC cũng cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Những nghi kỵ, đặc biệt về mặt lãnh thổ, thường được giới dân tộc chủ nghĩa xếp đầu nghị trình.
Ở Campuchia từng có niềm tin rằng, quốc gia này đã để mất Kampuchea Hạ, và đảo Koh Tral, tức đảo Phú Quốc hiện nay, vào tay Việt Nam trong quá khứ.
Vẫn theo BBC, chủ nghĩa dân tộc Campuchia, cùng với quá khứ thân Việt Nam của ông Hun Sen, đã dẫn tới sự chống đối từ các phe phái đối lập, dẫn đầu là ông Sam Rainsy – lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập đã bị chính quyền giải tán.
Hồi tháng 8, các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra ở một số nước, ngoài Campuchia, như Nhật Bản và Hàn Quốc.
BBC tiếp tục dẫn tin từ hãng tin quốc tế, cho hay, phe đối lập ở nước ngoài bị cáo buộc, đã kích động người dân biểu tình ở thủ đô Phnom Penh, kêu gọi Chính phủ rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam.
Theo đó, hàng chục người bị cáo buộc lên kế hoạch biểu tình tại Phnom Penh đã bị bắt giữ. Truyền thông thân Chính phủ nói rằng, mục tiêu kích động biểu tình là để lật đổ Chính phủ, tương tự những gì đã xảy ra tại Bangladesh.
Một số người bị bắt giữ đã được thả ra, sau “khi được cải tạo”, còn những người bị coi là chủ mưu đã bị truy tố.
BBC dẫn nhận định của ông Kimkong Heng, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm Phát triển Campuchia:
“Có 2 diễn ngôn mang tính đối chọi nhau về Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Chính phủ và những người ủng hộ cố gắng cho thấy sự ủng hộ, tuyên bố Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam sẽ giúp các tỉnh của Campuchia phát triển, trong khi, nhóm khác thì lo lắng và cảnh báo, Campuchia sẽ bị mất 4 tỉnh vào tay Việt Nam trong tương lai.”
BBC cho rằng, quyết định rút lui là một bước đi đột ngột, và Campuchia có thể đã có lựa chọn khác để phát triển kinh tế, cho các tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.
Có thể thấy, Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam là sáng kiến của ông Hun Sen. Giờ đây, chính ông lại chủ động đơn phương rút Campuchia khỏi khuôn khổ hợp tác này. Điều đó cho thấy 2 khả năng; 1 là ông bị buộc phải thực hiện bước đi này để hóa giải sự chống đối trong nước; 2 là ông có thể có những tính toán khác, mà ông thấy có lợi hơn; hoặc cũng có thể là cả 2.
Ý Nhi – thoibao.de