Chuyên gia cảnh báo: Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực bất cứ lúc nào ở Trường sa

https://www.youtube.com/watch?v=hjF4QXWGKv0

Tình hình biển Đông vẫn đang “sôi sục” bởi các hành động hung hăng liên tiếp của Trung quốc. Sau khi tuyên bố thành lập chính quyền “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”ngày 18/4/2020, Trung Quốc tiếp tục lấn thêm những bước đi mạnh bạo. Ngày 17/4/2020, Trung quốc gửi tiếp Công hàm để đáp trả Công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam với một câu mang hàm ý đe doạ, đó là “Trung Quốc cương quyết yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và vật dụng trên các đảo và đá ở Trường Sa”.

Giới bình luận cho rằng với động thái liên tiếp xảy ra những ngày gần đây, cho thấy khả năng Trung quốc có thể dùng vũ lực bất cứ lúc nào, như các dấu hiệu trước đây vào năm 1974 (chiếm Hoàng Sa) và 1988 (chiếm Trường sa).

Ảnh: những hình ảnh đăng trên báo Tuổi trẻ với tựa đề “Hải chiến Hoàng sa cuộc chiến không thể nào quên”, về cuộc chiến của lực lượng Hải quân của Việt nam Cộng hòa chống lại cuộc tấn công bằng vũ lực của Trung quốc vào ngày 17, 18 và đến ngày 19-1-1974 thì mất Hoàng sa vào tay Trung quốc. Hải quân Việt Nam Cộng hòa có 75 binh sĩ tử vong bao gồm Hạm trưởng Ngụy Văn Thà.

Ngoài ra, Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 19.4 còn thực hiện một động thái ngang nhiên nữa là công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông. 25 đảo, bãi đá cùng 55 thực thể được đặt tên này tập trung ở phần phía tây Biển Đông. Một số nằm dọc theo “đường lưỡi bò” và rất sát Việt Nam.

Chẳng hạn, Nhàn Đàm Hải Đài (Xiantan Haitai), cách Cam Ranh khoảng 60 hải lý; Vạn An Hải Để Hạp Cốc Quần (Wan’an Haidixiaguqun) cách đảo Phú Quý khoảng 50 hải lý; Tiêu Tương Hải Khâu (Xiaoxiang Haiqiu) cách Hòn Hải khoảng 45 hải lý.

Động thái này một lần nữa cho thấy Trung quốc càng ngày càng thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông khi đồng loạt triển khai nhiều hành động cả trên thực địa, pháp lý và hành chính.

Công hàm của Trung quốc ngày 17/4 thể hiện điều gì?

Ngày 30/3/2020, Việt Nam đã gửi Công hàm để khẳng định chủ quyền của mình trên Hoàng Sa và Trường Sa cũng như phản đối các lập luận vô lý và phi pháp của Trung quốc trên biển Đông. Đồng thời, ngày 14/4/2020, Việt Nam cũng gửi thêm hai công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia và Philippines.

Ngày 17/4/2020, Trung quốc đã gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc để đáp trả. Ngoài phần đầu lặp lại các yêu sách đã phản đối Malaysia, Philippines và Việt Nam trước đây, Trung quốc còn nhắc lại rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa với Công thư năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, Trung quốc còn cho rằng, cho tới thập kỷ 70 của thế kỷ XX, phía Việt Nam đã luôn chính thức công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận lãnh thổ lâu đời của Trung quốc.

Trung quốc ghi rằng: “Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Hoa ban hành Tuyên bố một lãnh hải rộng mười hai hải lý, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Hoa Đông, Hoàng Sa, Trung Xa (bãi cạn Scarborough của Philippines), Trường Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa

Ảnh: thủ tướng Phạm Văn Đồng và Công hàm 1958 về Biển Đông gây tranh cãi

 “Vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao tới Thủ tướng Chu Ân Lai, và tuyên bố long trọng rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 và rằng chính phủ của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này.” Công hàm Trung quốc nêu ra căn cứ Pháp lý như vậy.

Thêm nữa, Trung quốc còn cho rằng, sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc estoppel (tức không làm ngược với lời nói trước đó) trong luật quốc tế vì đã có hành vi yêu sách trái phép đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trung quốc ngang ngược khẳng định rằng Việt Nam đã sử dụng vũ lực trái phép để chiếm đoạt các đảo và đá của Trường Sa, vốn thuộc Trung quốc.

Đặc biệt, trong công hàm này của Trung quốc có thêm một câu: “Trung Quốc cương quyết yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và vật dụng trên các đảo và đá ở Trường Sa” này.

Ngay sau khi gửi công hàm nói trên, ngày 18.4 Trung Quốc đã ra tuyên bố thành lập cái gọi là quận Tây Sa và Nam Sa quản lý Hoàng sa và Trường sa của Việt nam, lấy Bãi đá Chữ Thập mà Trung quốc chiếm được của Việt nam làm Đại bản doanh (cơ quan chính quyền) quản lý 2 quận này.

Có vẻ như Trung Quốc đã kích hoạt một giai đoạn mới trong dã tâm bành trướng của họ ở Biển Đông. Đây có thể được coi là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể gia tăng các biện pháp cưỡng chế hoặc dùng đến vũ lực để chống lại các quốc gia yêu sách khác.

Trong bài viết của Nguyễn Hồng Thao – Vốn là Đại sứ Việt Nam tại Malaysia đăng ngày 19/4/2020, tác giả đặt ra khả năng đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực đối với Việt Nam. Điều này được suy luận bởi vì trong các công hàm đáp trả Malaysia và Philippines của Trung quốc cùng thời gian này không có câu tương tự.

Theo sự tìm kiếm của Dự án Đại Sự ký Biển Đông, thì trong một tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc ngày 22/2/1988 cũng có một câu tương tự như sau: “Phía Việt Nam phải rút khỏi các đảo và các cụm san hô này. Nếu phía Việt Nam cản trở các hành động chính đáng của Trung quốc tại các khu vực đã nói trên, bất chấp sự nhất quán của Trung quốc. Thì (Việt Nam) sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước các hậu quả phát sinh.

Và như chúng ta đã biết, Trung quốc tuyên bố câu này ngày 22/2/1988 thì ngày 14/3/1988 xảy ra sự kiện Hải quân Trung quốc thảm sát lính công binh Việt Nam tại Gạc Ma. Chính vì vậy, việc cảnh giác trước các tín hiệu đe doạ sử dụng vũ lực của Trung quốc trong thời điểm này không phải là thừa.

Các kịch bản sử dụng vũ lực của Trung quốc dự kiến xảy ra như thế nào?

Ảnh: Cuộc tuần hành quanh hồ Hoàn kiếm của các nhà hoạt động Hà nội tưởng niệm ngày 14-3-1988, ngày quân Trung quốc tấn công đảo Gạc ma ở Trường sa và giết chết 64 chiến sỹ hải quân của Việt nam

Vậy nếu Trung quốc sử dụng vũ lực thì sẽ sử dụng vũ lực ra sao? Sau đây xin đưa ra 2 khả năng.

1. Trung quốc sẽ nổ súng, cướp quyền kiểm soát tại 21 cấu trúc mà Việt Nam đang nắm giữ tại Trường Sa. Kịch bản này có thể xảy ra, nhưng với khả năng rất ít, bởi vì:

i) Thực lực trên biển của Hải quân Trung quốc đang càng ngày càng lớn mạnh, nhưng Hải quân Việt Nam cũng có những bước tiến về chất và lượng. Chúng ta nên biết, nếu chỉ đơn thuần so sánh tiềm lực của hai bên thì đó là sự khập khiễng. Nhưng Trung quốc chỉ có thể mang một phần tiềm lực Hải quân của họ để chiến đấu với Hải quân Việt Nam tại đây.

ii) Thế và lực của Việt Nam không phải như hồi năm 1988. Với sự lên tiếng ủng hộ Việt Nam của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, cho thấy, Việt Nam hiện nay còn có sự ủng hộ của nhiều bạn bè quốc tế.

iii) Đây không phải là thời điểm thích hợp cho việc Trung quốc phát động một cuộc chiến. Hoa Kỳ và Trung quốc đang trong một cuộc “thư hùng” cạnh tranh chiến lược với nhau. Với các hành động vô trách nhiệm, đểu cáng nhằm thủ lợi trong dịch CÚM VŨ HÁN của Trung quốc khiến nhiều quốc gia Tây phương đã ngả về phía Hoa Kỳ. Nếu Trung quốc gây chiến thời gian này, sẽ là dịp để cả thế giới ngả về phía Hoa Kỳ, và Trung quốc sẽ bị cô lập. Điều này Trung quốc không hề muốn. Cái Trung quốc muốn là không đánh mà vẫn đạt được mục đích độc chiếm biển Đông. Vì thế, tình huống này khó xảy ra lúc này.

2. Tuy nhiên, Trung quốc có khả năng sử dụng các đội tàu của mình, từ tàu chiến Hải quân đến các tàu Hải cảnh, Kiểm ngư cùng tác tàu dân quân biển của mình để đe doạ, bao vây các giàn DK gần khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam hiện đang kiểm soát. Kịch bản “bắp cải” mà Trung quốc đã áp dụng thành công khi chiếm thế thượng phong, giành quyền kiểm soát tại Scarborough từ tay Philippines năm 2012 có thể được lặp lại, dưới một hình thức mới.

Chính vì vậy, Việt Nam cần có các kịch bản ứng phó trong các trường hợp xảy ra các tình huống xấu nhất như vậy.

Nhận định tình hình trên hôm 20/4/2020 từ Hà Nội, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt:

Tôi nghĩ rằng dùng chữ bàn đạp cũng có thể được, nhưng đây có thể nói là những mũi tiến công dọn đường, chuẩn bị cho những chiến dịch mới của Trung Quốc, mạnh mẽ hơn, lớn hơn mà khả năng của nó có thể là dùng quân sự, có thể là dùng phối hợp với các biện pháp dân sự, kinh tế, kỹ thuật mà thường được gọi là chiến tranh mềm. Để mà gây sức ép buộc các nước khác thừa nhận yêu sách phi lý của họ.”

Theo tôi chúng ta không loại trừ khả năng Trung Quốc bất ngờ có hành động quân sự đồng thời hoặc liền chuỗi ở hai điểm này, bởi vì Trung Quốc như mọi người biết, trong khi họ thực hiện các chiến lược của mình, thì họ thường áp dụng kế sách dương đông – kích tây, rồi gây rối loạn nhiều nơi, để mà họ có thể đục nước béo cò v.v…

Lần này, chỉ riêng chuyện họ di chuyển các con tàu để gọi là “nghiên cứu” đó, xuống biển Đông và nam Biển Đông và dưới danh nghĩa là tự do hàng hải, theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển, thế nhưng họ đi nhưng mà không phải để mà đi chơi.

Họ sẽ làm cái gì đấy, nhưng có thể gây ra một sự chú ý, đánh lạc hướng nào đó, để họ tiến hành một hoạt động mạnh mẽ hơn khác, ở vùng khác, trong đó vấn đề eo biển Đài Loan cũng không thể loại trừ khả năng này.”

Cùng ngày 20/4, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nói với BBC:

Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hành động theo khung Ấn – Thái Dương (Indo-Pacific), ngoài ra, Nhật, Úc hoạt động trên cơ sở đồng minh chiến lược của Mỹ.

Các nước Asean, thì có bốn nước có tranh chấp quyền ở Biển Đông, những nước này đang cùng với toàn bộ 6 nước khác trong Asean đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, không có kết quả mong muốn.

Đến nay, tất cả các nước, kể cả Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, đều theo đuổi các biện pháp hòa bình.

Trung Quốc luôn coi các tính toán và hành động của họ đối với Biển Đông là khả thi. Đến nay, các hành động dựa trên vũ lực của Trung Quốc, chiếm giữ các đảo, đắp đảo, quân sự hóa ở biển Đông một cách phi pháp, các hoạt động phi pháp khác, đều có kết quả như Trung Quốc mong muốn.

Cộng đồng quốc tế theo tôi chưa hề có các biện pháp khả thi nào để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước có tranh chấp ở Biển Đông đến nay, mới chỉ có Philippines khởi kiện Trung Quốc, nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) 2016 cho Philippines không được Trung Quốc công nhận và tuân thủ.

Tuyên bố Tứ Sa và tuyên bố Lưỡi Bò đều mập mờ và đều là công cụ pháp lý mập mờ của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Tuyên bố Tứ Sa sử dụng vài thuật ngữ trong UNCLOS 1982 cho có vẻ có tính pháp lý, nhưng thực chất không có ý nghĩa pháp lý gì. Năm 2017, Trung Quốc thêm Đông Sa vào đường Lưỡi Bò, trong đó đã có Trung Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Ngoài ra, không có gì khác.

Liệu Trung quốc đã sẵn sàng “tấn công”hay chưa?

Về tình hình liên quan Trường Sa, eo biển Đài Loan, đặc biệt các diễn biến mới đây trên Biển Đông và khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp:

Có thể thấy trong chính sách, từ các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc từ 2012 đến nay, từ các bố trí lực lượng quân sự, từ việc quân sự hóa ở biển Đông, và eo biển Đài Loan, có thể thấy Trung Quốc đã sẵn sàng tấn công Đài Loan và tấn công Việt Nam ở biển Đông (Trường Sa).

Tuyên bố lập hai huyện ở biển Đông ngày 17/4/2020 đương nhiên có liên quan đến các chuẩn bị dùng vũ lực để đánh chiếm chủ yếu ở Trường Sa bất cứ lúc nào Trung Quốc thấy có thể.

Việt Nam đã chuẩn bị đáp ứng mọi tình huống trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó có các quan hệ liên quan đến biển Đông. Truyền thống Việt Nam cho thấy, nếu Việt Nam bị xâm lược, Việt Nam sẽ bảo vệ đất nước, giáng trả và đánh đuổi xâm lược.”

Cũng trong thời gian này, người đứng đầu nhà nước là ông Nguyễn Phú Trọng đã gần như vắng bóng trên chính trường, vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy của Chính phủ Việt Nam sẽ có lựa chọn nào trong thời gian tới, để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi chiến tranh với Trung Quốc có thể xảy ra trên Biển Đông.

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=LcL3RT8jCSg
TQ yêu cầu quân đội VN lập tức rút khỏi các đảo – Công hàm Phạm Văn Đồng tới LHQ