Liệu Việt Nam có rơi vào giai đoạn độc tài trầm trọng hơn sau khi Tổng Trọng qua đời?

Ngày 22/7, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của tác giả David Hutt, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á. Bài viết có tựa đề: “Ông Trọng để lại Đảng Cộng sản Việt Nam ở thế chín muồi cho sự cai trị độc tài”.

Theo đó, ngày 19/7, Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời. Một ngày trước đó, họ thông báo rằng, ông Trọng, chính trị gia 80 tuổi, được xem là người có quyền lực nhất đất nước, đã được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe.

Ông đã không tham dự số cuộc họp quan trọng, trong những tháng gần đây, và thậm chí, khi tham dự, ông có vẻ không được khỏe mạnh, đi lại không vững. Ông đã bị đột quỵ vài năm trước, nhưng dường như sau đó đã hồi phục.

Tác giả lưu ý, nhiệm kỳ thứ 3 của ông Trọng gần như chưa từng có tiền lệ. Ông Tô Lâm – cựu Bộ trưởng Công an, người vừa được thăng chức Chủ tịch nước vào tháng trước, giờ đây sẽ đảm nhận nhiệm vụ của ông Trọng, sau khi ông Trọng qua đời.

Tác giả cho rằng, với hiện trạng về sự độc quyền về quyền lực, đã khiến Đảng trở nên an toàn hơn. Đảng gia tăng đàn áp các nhà hoạt động và dân chủ, trong khi xoa dịu công chúng bằng việc hạ bệ những kẻ tham nhũng lớn.

Khu vực tư nhân cũng đã bị hạn chế, do đó, không tạo ra mối đe dọa nào đối với quyền lực chính trị của Đảng. Nền kinh tế đã bảo vệ Đảng khỏi sự trừng phạt từ phương Tây, trong vấn đề nhân quyền.

Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng, ông Trọng đã để lại một sự bung bét trong nội bộ Đảng.

Ông Tô Lâm với tư cách là Bộ trưởng Công an, và Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã sử dụng chiến dịch “đốt lò”, chống tham nhũng của ông Trọng, một cách nghệ thuật, để thúc đẩy các lợi ích của mình, loại bỏ một cách hiệu quả những ai có thể là đối thủ, trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng Bí thư vào năm 2026.

Tác giả cho biết, nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã bị sa thải hơn bất cứ lúc nào, mà chúng ta có thể nhớ.

Các ủy viên Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ nghỉ hưu ở tuổi 65, và các cá nhân chỉ có thể giữ các vị trí cấp cao nhất, tối đa 2 nhiệm kỳ. Quan trọng hơn, không ai có thể cùng lúc nắm giữ 2 trong 4 vị trí quyền lực nhất đất nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Ông Trọng đã vi phạm 3 “chuẩn mực” lớn, mà Đảng đưa ra vào đầu những năm 1990. Hơn nữa, việc thanh trừng, loại bỏ của ông Trọng, nhằm mục tiêu thực hiện quan điểm không ai có quyền lực tuyệt đối trong Đảng. Bất kỳ ai sử dụng quyền lực, đều phải phục vụ Đảng, chịu trách nhiệm trước Đảng.

Tác giả cho rằng, để thành công, chiến dịch chống tham nhũng không chỉ đòi hỏi những cá nhân có đạo đức, duy trì quyền lực ở vị trí cao nhất trong hệ thống quyền lực, nó còn cần có sự đổi mới thường xuyên, của thậm chí nhiều cá nhân có đạo đức hơn, để lãnh đạo Đảng trong tương lai.

Thực sự, ông Trọng là một nhà tư tưởng, một người theo chủ nghĩa Mác-xít tận tụy, nhưng ông có nhiều phẩm chất của một nhà đạo đức học hơn các đồng chí của mình. Giống như ông Hồ Chí Minh, ông Trọng coi sự thoái hóa đạo đức là căn nguyên, gốc rễ của mọi vấn đề, chứ không phải do thể chế.

Hơn 13 năm qua, ông Trọng đã bắt được một số con “chuột”, nói theo cách ẩn dụ của ông ấy. Nhưng tham nhũng vẫn lan tràn, và ông ấy đã khiến cho “chiếc bình” của mình trở nên mỏng manh, dễ vỡ hơn.

Tác giả cho rằng, việc ông Trọng làm xói mòn các chuẩn mực của Đảng Cộng sản, và sự tích tụ quyền lực cần thiết để đấu tranh chống tham nhũng, đã mở ra cánh cửa cho sự xuất hiện của một lãnh đạo tối cao, một cuộc đảo chính của độc tài, một Đảng Cộng sản ít đa nguyên và ít dựa trên sự đồng thuận hơn. 

 

Quang Minh – Thoibao.de