Đảng Cộng sản cai trị, biến mọi nơi thành thảm họa!

Có thể nói, sống tại các thành phố lớn của Việt Nam như là cực hình. Cứ mỗi năm mùa mưa đến, thì thế nào miền Trung cũng gánh họa lũ lụt. Đó là kết quả của cả một quá trình lâu dài tàn phá môi trường tự nhiên. Cho đến nay, dù vấn đề đã được cảnh báo, nhưng thảm họa vẫn cứ tiếp diễn, và nó được xem như là một sự tất yếu. Thảm họa thiên nhiên tại Việt Nam càng ngày càng nghiêm trọng.

Trước đây, có bao giờ người ta nghe Đà Lạt bị ngập lụt? Bởi thành phố này nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, và không chịu tác động của triều cường như những thành phố gần biển. Ấy vậy mà thành phố này vẫn cứ ngập. Ngày nay, nhìn Đà Lạt sau mỗi cơn mưa, cứ như những khu dân cư nào đấy xây dựng trên vùng sông nước vậy.

Thảm họa xảy ra ngay tại vị trí rừng bị tàn phá

Vụ sạt lở nghiêm trọng làm 2 người chết tại Đà Lạt chưa lắng xuống, thì lại đến vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc làm thiệt mạng 4 người. Nhìn từ trên cao, rõ ràng, rừng phòng hộ tại khu đất bị sạt lở đã bị chặt phá, để trồng cây nông nghiệp. Đó là cái giá phải trả cho hành động buông lỏng quản lý, làm ngơ cho nhiều cá nhân chặt phá rừng bừa bãi.

Mới đây, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa mới xây xong đã ngập. Nói chung là ngập, lũ lụt, sạt lở… xảy ra khắp nơi. Hiện nay, người dân Việt Nam dù có ô tô riêng vẫn rất vất vả vì tình trạng ngập lụt, thiên tai khắp nơi. Đấy là hiện thực đang diễn ra. Ngoài các thành phố vừa nêu thì hầu hết các đô thị Việt Nam, dù là ven biển, cũng bị ngập ít nhiều.

Đảng Cộng sản tự cho mình là tổ chức duy nhất có khả năng lãnh đạo toàn diện đất nước này. Họ áp đặt giáo dục, áp đặt luật lệ, áp đặt cách quản lý của họ. Kết quả thì sao? Giáo dục Việt Nam hiện nay là thảm họa. Cách quản lý của họ khiến mọi ban ngành đều xảy ra tiêu cực. Nói tiêu cực là còn nhẹ, chứ thực ra, phải nói họ gây ra tội ác, ví dụ như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu vv..

Khai thác và tôn tạo là 2 quá trình gắn liền với nhau. Không phải các nước tiến bộ không khai thác rừng, mà họ khai thác có kiểm soát. Họ cắt tỉa cây rừng chứ không cạo trọc núi đồi như Việt Nam. Họ tính toán rất kỹ tốc độ khai thác và khả năng hồi sinh của rừng. Đấy được gọi là khai thác bền vững.

Tuy nhiên, vì chính quyền Cộng sản quản lý kém, tạo ra máy tham nhũng, nên tất cả đều chỉ là khai thác mà không tôn tạo.

Một cái cây để thành cây gỗ phải mất trăm năm sinh trưởng và phát triển, nhưng để đốn nó thành những khúc gỗ thì chỉ cần vài giờ. Cho nên, việc quản lý tồi đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Đối với chính quyền Cộng sản, họ không có khả năng sửa chữa cái dở, cái xấu. Ai mà nói đến cái dở, cái xấu, thì Tô Lâm sẽ xua quân bắt người đó bỏ tù.

Quản lý đất nước thì đất nước tan nát

Ở các nước tiến bộ, người ta xem rừng là ngôi nhà chung, họ vừa khai thác, vừa tôn tạo. Còn ở Việt Nam, chính quyền xem mọi thứ là nguồn lợi mà họ có quyền khai thác vô tội vạ, thì làm sao họ có trách nhiệm tôn tạo? Không phải chỉ vấn đề của rừng cây, mà cả vấn đề của rừng người. Việt Nam được xem là khu rừng người với 100 triệu dân. Khu rừng này đang bị Đảng Cộng sản xem là chiến lợi phẩm, thì làm gì họ có trách nhiệm tôn tạo? Nếu Đảng Cộng sản có trách nhiệm tôn tạo rừng người, thì họ đã không áp đặt nền giáo dục nhồi sọ, làm triệt tiêu sự sáng tạo của bao thế hệ.

Thật mỉa mai cho câu “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Thực tế thì khác, vì lợi ích 10 năm thì đốn cây, vì lợi ích trăm năm thì Đảng tàn phá trí lực của dân tộc. Một khi đã xem dân tộc là đối tượng để khai thác, thì Cộng sản chẳng có trách nhiệm tôn tạo nào cả. Trách nhiệm có chăng chỉ là khẩu hiệu mà thôi.

Thu Phương (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://plo.vn/cao-toc-phan-thiet-dau-giay-bi-ngap-nang-ket-xe-hon-10-cay-so-post744451.html