Ngày 2/1, ông Tô Lâm đã cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giam ông Hoàng Quốc Vượng – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương – về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Được biết, ông Hoàng Quốc Vượng có 2 lần làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Lần đầu từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2012, dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Lần thứ nhì, ông Vượng làm Thứ trưởng là dưới thời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, giai đoạn 2015 – 2020. Sai phạm của ông Vượng được xác định xảy ra dưới thời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Xen giữa 2 lần làm Thứ trưởng Bộ Công thương, là giai đoạn ông này làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thông tin bên trong cho biết, khi làm Chủ tịch EVN, ông Hoàng Quốc Vượng đã nắm mọi mánh khóe trục lợi, và mang mánh khóe đó về Bộ Công thương tư vấn cho Trần Tuấn Anh, làm ra các chính sách có lợi cho “nhóm lợi ích điện lực”.
Thời kỳ Hoàng Quốc Vượng làm Chủ tịch EVN, thì Dương Quang Thành là cấp phó, hỗ trợ đắc lực cho ông Vượng. Sau khi rời EVN về Bộ Công thương, Hoàng Quốc Vượng đề xuất Dương Quang Thành lên thay. Cặp đôi này phối hợp rất ăn ý. Tại Bộ Công thương, Hoàng Quốc Vượng tư vấn cho Trần Tuấn Anh ra chính sách về điện, ở bên dưới, với tư cách là Chủ tịch EVN, Dương Quang Thành trục lợi từ các chính sách đó, rồi cùng nhau chia chác.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 27/12/2023, Bộ Công thương đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm, trong tham mưu, triển khai thực hiện Quyết định 11/2017 về phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời; Quyết định 13/2020 với cơ chế khuyến khích giá ưu đãi (FIT) cho điện mặt trời…
Tại kỳ họp kỳ thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/12/2023, ông Trần Cẩm Tú nhận lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng, đã cho lên thớt rất nhiều nhân vật lớn. Trong đó có: ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng; ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ; ông Dương Quang Thành – cựu Chủ tịch EVN; ông Đỗ Thắng Hải – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Hoàng Quốc Vượng – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; và một số nhân vật khác.
Cho đến nay, Bộ Chính trị chưa chính thức kỷ luật. Tuy nhiên, một khi Trần Cẩm Tú đã lên danh sách đệ trình Bộ Chính trị, thì trước sau gì những người này cũng bị kỷ luật. Nhưng chưa biết mức kỷ luật dành cho họ cao thấp như thế nào.
Cho tới nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho Tô Lâm bắt Đỗ Thắng Hải và Hoàng Quốc Vượng. Đây là những quan chức cấp trung. Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu rằng, việc bắt ông Đỗ Thắng Hải và ông Hoàng Quốc Vượng có phải là bước chuẩn bị để tiến tới nhà Trần Tuấn Anh? Hay chỉ bắt đến cấp Thứ trưởng rồi thôi?
Bởi thực tế, ông Trọng đang chống tham nhũng có vùng cấm, nên dư luận thắc mắc, ông Trần Tuấn Anh có phải là vùng cấm mới hay không?
Năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng cho kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Hà Nội – do những sai phạm thời ông này làm Bộ trưởng Tài chính, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Trọng vẫn để ông Đinh Tiến Dũng ngồi ở ghế Bí thư Thành uỷ Hà Nội, mà không mạnh tay như ông đã từng làm với Đinh La Thăng.
Không rõ, ông Trọng sẽ mạnh tay hay nương tay với Trần Tuấn Anh? Hãy chờ xem.
Nếu hốt hết những người đã dính sai phạm trong vụ EVN, thì phải hốt từ Chính phủ, đến Trần Tuấn Anh, rồi xuống cấp dưới, chứ không thể chỉ dừng ở cấp thứ trưởng. Bởi mọi sai phạm đều phải quy cho cấp trưởng, chứ không thể đổ hết tội cho cấp phó. Cấp phó chỉ là kẻ tham mưu và thừa hành, không phải người quyết định.
Ý Nhi – Thoibao.de