Ngày 14/1, BBC Tiếng Việt có bài bình luận “Sức khoẻ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được quan tâm, công an địa phương bất ngờ bác bỏ”.
BBC dẫn một nguồn tin quốc tế, theo đó, 2 quan chức Việt Nam dấu tên đã tiết lộ, ông Trọng phải nhập viện vì một loại bệnh chưa xác định.
Lần xuất hiện gần nhất của ông Trọng, là vào ngày 26/12/2023, khi ông tiếp ông Shii Kazuo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản.
BBC cho hay, sau đó, ông Trọng đã hoàn toàn vắng mặt, kể cả trong chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo từ ngày 11 đến ngày 13/1; chuyến thăm của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong 2 ngày 6 và 7/1.
BBC không kiểm chứng được các thông tin về sức khỏe của ông Trọng. Một nguồn tin riêng của BBC, từ nội bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, quan chức này thậm chí vẫn phải chờ thông tin chính thức về sức khỏe ông Trọng và không có thông tin gì khác.
BBC dẫn bình luận trên mạng xã hội X, ngày 14/1, của Phó Giáo sư Jonathan London, hiện giảng dạy tại Đại học Leiden, Hà Lan, viết: “Chưa có tin chính thức mà vẫn rõ: Không ai ảnh hưởng chính trị trong thập kỷ qua hơn [Nguyễn Phú Trọng]. Bây giờ, [Việt Nam] đang vào giai đoạn mà A. Gramsci gọi là interregnum: Quá khứ đang hấp hối, mà lại tương lai vẫn chưa sinh ra. Một giai đoạn có tính quyết định đã đến.”
Theo BBC, trong một động thái hiếm hoi, vào ngày 13/1, trang Facebook chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc viết:
“Mạng xã hội Tiktok, các trang báo phản động đang xuất hiện các thông tin sai sự thật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt đi chữa bệnh…”
“Đây là các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, quý bạn đọc và nhân dân lưu ý”.
Tuy nhiên, nội dung này đã bị gỡ bỏ vào chiều ngày 14/1.
BBC đã kiểm chứng và xác định, đây là trang Facebook chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc: website chính thức của cơ quan này có để đường dẫn tới trang Facebook nói trên.
BBC cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam bác bỏ thông tin đồn đoán về sức khỏe của ông Trọng, hoặc các quan chức cấp cao. Và vấn đề sức khỏe của ông Trọng, là chủ đề được bàn tán nhiều trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, tình hình thật sự không bao giờ được công bố chi tiết. Căn cứ Khoản 11 Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, thì hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thuộc danh mục bí mật nhà nước, mức độ tối mật, và được bảo vệ bí mật trong 20 năm, kể từ ngày xác định độ mật của bí mật.
BBC nhắc lại lần ông Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang năm 2019, khi đó, phải sau 10 ngày kể từ khi có tin đồn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới cho biết, “cường độ làm việc và thay đổi thời tiết đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”.
BBC cũng cho biết, chỉ có vài lần hiếm hoi, ông Trọng công khai nói mình “không khỏe lắm” trong những năm qua.
Cụ thể:
Khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 Tổng Bí thư vào tháng 2/2021, ông Trọng nói:
“Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, đảng viên thì phải chấp hành.”
Tháng 10/2019, ông Trọng chia sẻ với các cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ: “Tôi sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân.”
Năm 2018, khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông Trọng nói: “Trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ trong khi năng lực, hạn chế của tôi là rất rõ mà tuổi tác lại lớn rồi. Tôi luôn chuẩn bị tinh thần như vậy.”
Xuân Hưng – thoibao.de
14.1.2024