Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau nhiều tuần vắng bóng, đã bất ngờ xuất hiện tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, được nhiều người quan tâm.
Nhưng ít người biết rằng, đằng sau những tin đồn liên quan đến sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng, là câu chuyện về cuộc chiến cung đình trên thượng tầng của Ban lãnh đạo Việt Nam.
Trong đó, có những cá nhân và phe nhóm lợi dụng việc ông Trọng có vấn đề về sức khỏe, là điều có thật. Họ muốn buộc ông Trọng phải rời bỏ vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn có những phe phái thân cận với ông Trọng, đã kết hợp với những phe phái không ủng hộ ông, vì một quyết tâm chung: “Ai là Tổng Bí thư cũng được, nhưng người đó không phải là Bộ trưởng Công an Tô Lâm!”
Đây là một câu chuyện không mới. Trước Đại hội Đảng khóa 12, từng có một khẩu hiệu tương tự đối với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và điều này đã đưa cựu Thủ tướng 2 nhiệm kỳ Ba Dũng về vườn làm người tử tế, là một minh chứng.
Trong thời gian gần đây, giới thạo tin đã đưa ra các nhận định cho rằng, Bộ trưởng Công an là nhân vật có quyền lực bậc nhất trong Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi, nhiều ý kiến đánh giá rằng, nhân sự thay thế cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điều chắc chắn sẽ diễn ra, thậm chí, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư đã được khởi động.
Một số đánh giá nhấn mạnh, nếu như, trong trường hợp ông Trọng không thể tiếp tục thực hiện chức trách, thì chỉ có Bộ trưởng Bộ Công an là người có kinh nghiệm, đủ quyền uy, phù hợp nhất để kế nhiệm. Thậm chí, nếu không phải là Bộ trưởng Tô Lâm thay thế Tổng Bí thư, thì có nguy cơ dẫn tới “vỡ Đảng”.
Giáo sư Alexander L. Vuving, từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, ngày 12/1, đưa ra nhận định như sau: “Các ứng viên có khả năng nhất để kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng Bí thư, là: Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương”.
“Không có lửa thì làm sao có khói”. Nội bộ của một chế độ độc tài thì luôn tồn tại những mâu thuẫn và sự tranh chấp quyền lực. Nên thông tin về sức khỏe của Tổng Trọng bị rò rỉ ra bên ngoài, theo giới phân tích, đều nằm trong tính toán có chủ đích của các cá nhân cũng như các phe cánh trong nội bộ Đảng, nhằm đánh phá lẫn nhau.
Đó là lý do, vì sao mới có chuyện dậy sóng, đồn đoán sôi nổi về sức khoẻ của Tổng Bí thư trong những ngày qua.
Giới quan sát cho hay, có những đồn đoán rằng, Ban lãnh đạo Bắc Kinh sẽ ủng hộ một nhân sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được chọn làm người thay thế ông Trọng, trên cương vị Tổng Bí thư.
Không phải vô cớ mà có tin cho biết, trong một động thái được cho là khá bất thường, ngày 9/1, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bất ngờ tổ chức sự kiện “Khai mạc tập huấn công tác quân sự, quốc phòng năm 2024”.
Theo giới quan sát, đây là một động thái cho thấy, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đang triển khai một kế hoạch “chống đảo chính”.
Đáng chú ý là việc này diễn ra trước 1 ngày, khi Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên bất ngờ sang thăm Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã ký “Bản ghi nhớ hợp tác về an ninh chính trị”, giữa hai Bộ Công an – Việt Nam và Trung Quốc.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ xuát hiện sau nhiều ngày vắng bóng, được truyền thông trong và ngoài nước đồng loạt đưa tin.
Từ video clip của báo Thanh Niên Online, người ta thấy, “ông Trọng đứng lên chào đã phải bấu vào bàn, và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đỡ dậy”.
Báo Đất Việt đưa tin cho biết, “Reuter: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh, rồi mau chóng rời nghị trường trong phiên khai mạc?” Theo đó, bản tin của Reuters dẫn lời nhân chứng cho hay, “ngay sau bài phát biểu khai mạc của Vương Đình Huệ tại Quốc hội Cộng sản Việt Nam hôm 15/1, Trọng được trợ lý, cận vệ dìu ra khỏi phiên họp”.
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên, không ai có thể tránh khỏi, cũng như việc “ốm tha, già thải” là quy luật của muôn đời. Vậy vì sao, ai, phe cánh chính trị nào trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đã “ép’ Tổng Trọng phải xuất hiện trong kỳ họp Quốc hội này? Để rồi sau đó, ông Trọng phải quay lại phòng ICU để tiếp tục được chăm sóc sức khỏe?
Bất kể chuyện này có được sự đồng thuận của Tổng Bí thư Trọng hay không, theo giới thạo tin, phe Nghệ An của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ muốn lợi dụng sự kiện này để “dằn mặt” Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tuy nhiên, dù sao thì cũng không thể tránh khỏi điều tiếng và dị nghị của công luận, khi công luận cho rằng, “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị thế lực nào đó trong nội bộ Đảng, sử dụng làm “đồ chơi” trong cuộc chiến cung đình?”
Xin được nhắc lại, giới quan sát cho biết, trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường này của Quốc hội, người ta không thấy Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm xuất hiện.
Phải chăng, ông Tô Lâm cũng cảm nhận được ý đồ của Vương Đình Huệ và phe Nghệ An, nên đã tránh mặt?./.
Trà My – Thoibao.de
15.1.2024