Sau nhiều ngày dân tình đồn ông đã chết, thì ngày 15/1, ông Nguyễn Phú Trọng bất ngờ xuất hiện trước Hội trường Ba Đình, bác bỏ mọi tin đồn “độc” nhắm vào ông. Từ những hình ảnh được truyền hình trực tiếp, cho thấy, ông Trọng chậm chạp bước ra Hội trường, xung quanh có đầy đủ những nhân vật chủ chốt của Đảng và nhà nước, gồm: Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai. Những người này đi sát bên cạnh ông, với tư thế sẵn sàng đỡ nếu ông bị ngã.
Sự xuất hiện của ông Trọng quả thật đã dập tắt tin đồn. Tuy nhiên, việc này cũng khiến người dân thấy rõ, sức khoẻ của ông có vấn đề. Người dân quan tâm đến sức khoẻ của ông, chủ yếu là do hiếu kỳ, và cũng do tò mò theo dõi xem những đệ tử của ông sẽ đấu đá ra sao để giành ghế.
Giờ đây, câu hỏi đặt ra là: Liệu ông Trọng có còn đủ sức khoẻ để tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí thư nữa hay không?
Hình ảnh truyền hình cho thấy, ông Trọng bước vào Hội trường với những bước đi lẫm chẫm như một đứa trẻ. Không khó để thấy rằng, ông đã nỗ lực hết sức để nhấc bước chân vào hội trường. Với một người khỏe mạnh, việc đi lại là hoạt động thể chất bình thường. Nhưng đối với một người gần đất xa trời, sức lực còn lại rất ít ỏi, mà phải gồng hết sức để diễn tuồng “tau khỏe có chi mô” trước truyền thông, cũng là một nỗ lực quá mức. Ông Trọng xuất hiện lần này, quả là đánh đổi rất lớn cho tình trạng sức khỏe của ông.
Cuộc họp bất thường của Quốc hội khóa 15 diễn ra vào ngày 15/1, đã được lên lịch từ trước. Ngày 8/1, báo Tuổi Trẻ có đăng bài, cho biết “Triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường lần thứ 5, chốt 4 nội dung xem xét quyết định”.
Lẽ ra, trước mọi kỳ họp của Quốc hội, sẽ diễn ra kỳ họp của Trung ương Đảng, để đưa ra nội dung cho vở diễn của Quốc hội. Tuy nhiên, lần này, vì ông Trọng nằm viện nên kỳ họp của Trung ương Đảng bị hủy, và kỳ họp Quốc hội diễn ra sau đó.
Thông thường, Quốc hội họp bất thường là để giải quyết những vấn đề cấp bách, như bỏ phiếu bãi nhiệm quan chức bị kỷ luật. Tuy nhiên, tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội lại bàn những việc rất bình thường, hoàn toàn có thể để đến kỳ họp chính thức cũng được. Ví dụ, Quốc hội bàn về: Dự luật đất đai sửa đổi; Dự luật các tổ chức tín dụng; Dự thảo nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù, và dự thảo Nghị quyết về lĩnh vực tài chính ngân sách.
Trên danh nghĩa, ông Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là một Đại biểu Quốc hội, lá phiếu của ông cũng chỉ là 1 trong gần 500 lá phiếu khác. Mà hầu hết, các dự luật được thông qua ở Quốc hội bù nhìn này đều có tỷ lệ từ 80 đến 100%, chứ không bao giờ có trường hợp giằng co quanh con số 49 hay 50% như các nước dân chủ, nên lá phiếu của ông Trọng cũng không có ý nghĩa gì.
Khi sức khỏe của ông không đảm bảo, thì ông hoàn toàn có thể nghỉ ở nhà, và các đại biểu khác cũng vậy. Tại sao ông lại mang thân xác nặng nề trên đôi chân “cà lết” của ông, để đến Hội trường Ba Đình làm gì?
Đây chẳng phải là hành động “đánh đu” với tử thần hay sao?
Ở tuổi 80 và đã trải qua một lần bệnh nặng cách đây 5 năm, đã cướp đi sức khỏe của ông rất nhiều. Ở tuổi này, với sức khỏe như thế, lẽ ra, ông nên từ bỏ quyền lực để vui thú điền viên bên con cháu. Nhưng ông lại “say máu quyền lực”, muốn chứng tỏ bản thân. Điều này chỉ có hại chứ không đem lại lợi ích gì cho sức khoẻ của ông. E rằng, nếu ông không thể gạt bỏ được tham sân si để an hưởng tuổi già, thì có ngày, ông sẽ bỏ mạng ngay trên chiếc ghế quyền lực ông đang níu giữ.
Lẽ ra, ông không cần phải chứng minh trước dư luận rằng, “tau khỏe có chi mô”, bằng cách gồng mình, gắng sức để bước vào Hội trường. Ông cố chứng minh cũng sẽ chỉ thiệt thân ông, chẳng ích gì cho bất kỳ ai.
Ý Nhi – Thoibao.de
16.1.2024