Ông Nguyễn Phú Trọng còn quyền lực là ông còn đốt lò, bởi lâu nay, đốt lò đã là thương hiệu của riêng ông. Trước đây, các đồng chí của ông cũng thanh trừng nhau, nhưng kín đáo và không làm đại trà như ông. Họ tạo áp lực, tố cáo nhau trong Đảng, và thậm chí thuốc nhau, đều là những hình thức kín đáo.
Riêng ông Trọng thì dùng chiến lược đánh thanh nhũng để loại bỏ hàng loạt những kẻ ông không vừa mắt.
Các nước dân chủ cũng diệt tham nhũng, nhưng họ sử dụng pháp luật, chứ không cần phải có một cá nhân nắm quyền lực tuyệt đối để làm điều đó. Đấy là chống tham nhũng bằng pháp quyền. Cách chống tham nhũng này bao trùm, không tha bất kỳ ai, và soi rọi mọi lúc, mọi nơi, trong bộ máy nhà nước. Cách chống tham nhũng như thế mới giữ được cho nhà nước trong sạch.
Còn chống tham nhũng như cách ông Trọng thực hiện, là do cá nhân ông muốn, chứ không phải do luật pháp thực thi. Đánh tham nhũng kiểu ông Tổng Trọng, là đánh từ trong Đảng đánh ra. Nghĩa là, trong Đảng phát hiện trước rồi xử lý kỷ luật, sau đó luật pháp chỉ là làm theo chỉ đạo Đảng.
Một mình ông Trọng làm sao có thể nhìn thấy hết những ngóc ngách ở các bộ, ban, ngành, và các địa phương. Thế nên, ông chỉ đánh ở những nơi, những người, ông nhìn thấy, và bỏ sót những người ông không nhìn thấy, hoặc giả vờ không thấy. Cho nên, cách chống tham nhũng của ông không thể làm trong sạch Đảng, làm trong sạch nhà nước, mà chỉ quét đi thành phần ông cần lọc bỏ, tức là những kẻ không thuộc hệ sinh thái quyền lực của ông.
Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là nơi nhận nhiệm vụ lên danh sách những người cần đánh, và xướng tên họ ra trước công chúng. Mỗi kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là một lần quan chức hồi hộp, lo sợ, liệu rằng, ông Trần Cẩm Tú có xướng tên mình lên hay không? Một khi đã bị xướng tên, thì xem như, tương lai mịt mù tăm tối, nhẹ thì khiển trách, nặng thì cho vào “lò”.
Ngày 19/1, ông Trần Cẩm Tú chủ trì cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Lần này, ông Tú lại réo tên 3 nhân vật lớn một lần nữa, đó là: ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng; và ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Trước đó 1 tháng, trong kỳ họp lần thứ 34, ông Trần Cẩm Tú đã cho réo tên 3 người này. Đây được xem là hành động lên danh sách, trình Bộ Chính trị để xem xét mức kỷ luật.
Ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, ai cũng biết, những trò đưa “củi” lên “thớt” thế này, là do ông Trọng đạo diễn sau màn. Tuy nhiên, ông Trọng vẫn lấy danh nghĩa là Bộ Chính trị để quyết định mức kỷ luật. Trong Bộ Chính trị hiện nay, phe ông Trọng chiếm quá nửa, nên xem như, Bộ Chính trị sẽ quyết theo ý của ông.
Nhưng những người bị ông Trần Cẩm Tú reo tên, cũng chưa phải là đã hết tương lai, mà có khi, đó chỉ là đòn cảnh cáo. Hình thức kỷ luật cảnh cáo là nhẹ nhất, vẫn giữ được chức và có thể được “xóa án”. Trường hợp ông Đinh Tiến Dũng là ví dụ.
Hiện nay, các ông Trần Tuấn Anh, Trịnh Đình Dũng và Mai Tiến Dũng, vẫn chưa biết bản thân sẽ bị bổ xuống hình thức kỷ luật nào. Nếu nặng, có thể sau Trần Cẩm Tú, thì Tô Lâm sẽ kéo quân đến nhà. Những người bị réo tên này chẳng khác nào đang ngồi trên đống lửa.
Luật chơi do ông Trọng đặt ra, là thứ đã khiến bao nhiêu quan tham không thuộc phe Tổng phải khiếp sợ. Có lẽ, hiện nay không ai mong Tổng Trọng về “chầu trời” bằng 3 nhân vật đang bị réo tên này. Trong lúc nằm trước miệng lò đang cháy mà lại có quốc tang, thì xem như, 3 nhân vật này thoát nạn.
Ông Trọng dựng lò chống tham nhũng đình đám, rồi cũng sẽ tắt mà thôi. Bởi việc đốt lò là việc của ông Trọng, sau 3 tấc hơi của ông, thì mọi sự đâu lại vào đấy.
Ý Nhi – Thoibao.de
21.1.2024