Nguyễn C. Khế và hai lần thoát hiểm (Phần cuối)

Ngày 20/1, báo Tiếng Dân tiếp tục đăng phần 3, cũng là phần cuối của loạt bài “Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết” của tác giả Thu Hà.

Nội dung tóm lược như sau:

Sau hai lần thoát chết, lần thứ ba, “bất quá tam”, chiều 16/1, Nguyễn Công Khế mạt vận, đành tra tay vào còng, chấm hết một thời huy hoàng và “ngạo nghễ”.

Rút kinh nghiệm các lần trước, lần này phe tấn công đã ra đòn mà không phạm phải bất kỳ sai lầm nào.

Tác giả không bàn đến đúng sai về pháp luật trong vụ bắt giữ ông Khế. Tuy nhiên, có hàng trăm, hàng ngàn vụ vi phạm giống vụ của Khế, về chuyển nhượng đất công, nhưng chưa có vụ chuyển nhượng đất vàng nào bị khởi tố.

Nói vậy để mọi người thấy rõ, hồi tố một vụ việc cách đây hơn 15 năm, đi qua cả 3 kỳ Đại hội Đảng, rõ ràng là có ẩn khuất.

Thể chế Cộng sản là vậy, mọi thứ đều bị che phủ trong lớp mù sương. Nhiều đồn đoán cho rằng, Nguyễn Công Khế bị bắt vì ông ta đang vận động, hậu thuẫn cho các chính trị gia phía nam. Đúng sai chưa vội kết luận, nhưng giá như, sau lần suýt chết thứ hai, Khế lùi thật xa, thoái vốn, rút lui khỏi Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, thì không có cái kết như ngày hôm nay.

Liên quan đến chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc bị truất phế, chỉ có thể nhận xét ngắn gọn, Khế có vai trò trong việc giúp Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á. Nếu không có Khế, bà Trần Nguyệt Thu vợ ông Phúc, sẽ không đời nào bốc điện thoại gọi cho lãnh đạo bộ này, bộ kia gửi gắm. Và Nguyễn Thị Thanh Thủy, con chú ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng không phải vướng vòng lao lý, với mức án 3 năm tù giam.

Người ta thường cho rằng, Khế lừa Huỳnh Tấn Mẫm. Thật ra, Huỳnh Tấn Mẫm không hề đơn giản để có thể bị ai đó lừa, cho nên, dù Khế muốn lừa cũng không dễ. Mẫm là đảng viên Cộng sản từ năm 1966, là Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa Sài Gòn. Chỉ vì bị thất sủng trong Tổng hội Sinh viên, Mẫm đã đạo diễn cho những tay súng của Thành đoàn Cộng sản bắn chết Lê Khắc Sinh Nhật (1948 – 1971), Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa Đại học Sài Gòn, Phó Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn từ năm 1970 – 1971, ngay tại hành lang trường Luật Sài Gòn.

Huỳnh Tấn Mẫm cùng với Lê Văn Nuôi, Dương Văn Đầy… chủ mưu ám sát nhiều trí thức, học giả miền Nam trước năm 1975. Sau tháng 4/1975, Mẫm bị các đồng chí của mình “vắt chanh bỏ vỏ”.

Chế độ này sinh ra những kẻ như Khế, có chút công trạng, một chút tài năng, một chút nghĩa hiệp, biết thu phục nhân tâm và nhất là rất giỏi… mị dân.

Một thời đi xe biển xanh 80A, uống cafe, ăn sáng, tiệc tùng với “tứ trụ” triều đình, làm cho Khế ảo tưởng quyền lực, quên mất mình là ai.

Nguyễn Công Khế chết vì ảo tưởng quyền lực. Khế quên rằng, với Đảng, báo chí chỉ là công cụ, “nghề phóng viên là phải như con chó ấy” (chữ của Nguyễn Như Phong).

Đàn anh của Khế là Hoạ sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành (1944 – 1993) từng thốt lên trước cuộc họp Thành uỷ, qua lời kể của nhà văn Đào Hiếu: “Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. Chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết, vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!

Để bảo vệ sự tồn vong, Đảng sẽ không từ bất cứ ngón nghề, thủ đoạn gì, với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào. Nhà báo nổi tiếng, “điệp viên huyền thoại” Phạm Xuân Ẩn, sau năm 1975 dù được ban ơn cho quân hàm Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, để rồi cũng bị cho ngồi chơi xơi nước, bị quản thúc tại gia cho đến chết.

Theo một nhà báo Mỹ, đồng nghiệp cũ của ông Ẩn, thì “Yêu cầu cuối cùng của ông [Phạm Xuân Ẩn] là đừng chôn [ông] gần những người Cộng sản”.

Thu Phương – thoibao.de

21.1.2024