Ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, đã cho báo chí biết, ngày 2/5 tới, Quốc hội sẽ họp kỳ bất thường lần thứ 7, để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Trước đó, ngày 26/4, Trung ương Đảng cũng đã có cuộc họp bất thường, đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, “theo nguyện vọng cá nhân”.
Cho tới nay, Quốc hội đã có đến 7 kỳ họp bất thường, tương ứng với 7 cuộc họp bất thường của Trung ương Đảng. Nội dung của các kỳ họp bất thường này, chủ yếu là để chia chác lại ghế, sau khi có người “ngã ngựa”. Kết quả của cuộc đấu đá là, Bộ Chính trị ban đầu có 18 thành viên, nay chỉ còn có 13. Đấy là chưa kể đến hàng loạt uỷ viên Trung ương Đảng cũng bị ngã ngựa chung với các uỷ viên Bộ Chính trị.
Cho đến nay, đã có 3 nhân vật thuộc hàng Tứ trụ ngã ngựa, đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ. Đáng nói là, 2 trong 3 trường hợp trên là do ông Tô Lâm ra tay. Ông đã tự điều tra và dùng kết quả đấy để buộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải ra tay theo. Ông Tô Lâm đã thao túng và điều khiển Ủy ban này, thay cho ông Tổng, thể hiện rõ trong trường hợp xử lý ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ.
Đây là dấu hiệu cho thấy, thượng tầng chính trị đã có người đốt lò mới, đốt nhiều củi gộc, ra tay nhanh gọn, dứt khoát hơn.
Hiện nay, 2 nhân vật đang được dư luận chú ý là Trần Thanh Mẫn và Trương Thị Mai, bởi có khả năng cao, 2 người này sẽ ngồi lên 2 chiếc ghế đang bỏ trống. Đây được xem là những nhân vật “hiền lành”, trung dung, không theo phe này chống phe kia. Một số nhà phân tích cho rằng, 2 nhân vật này lên là vừa ý cả 2 phe, vì dễ sai khiến, không đủ sức để đe dọa bên nào. Thường trong các cuộc đấu đến mức sống còn, khi cần dung hoà, người ta sẽ chọn những người “hiền lành”, dễ bảo, như là giải pháp hợp lý cho cả 2 phe.
Bất kể kỳ chia chác này, Tô Lâm có nhận được ghế nào hay không, thì cuộc chiến cung đình vẫn tiếp diễn. Bởi Tô Lâm không nhắm vào 2 chiếc ghế trống, mà nhắm vào ghế Tổng Bí thư.
Kỳ họp bất thường của Bộ Chính trị vào ngày 25/4, và kỳ họp bất thường của Trung ương vào ngày 26/4 vừa qua, cùng với kỳ họp bất thường của Quốc hội vào ngày 2/5 sắp tới, chỉ là thủ tục dọn “bãi chiến trường” do Tô Lâm để lại mà thôi. “Chiến trường” ở thượng tầng của Đảng Cộng sản đang rất căng thẳng, Tô Lâm sẽ quyết đấu cho đến ngày khai mạc Đại hội 14. Vậy nên, rất có thể, sẽ còn có những kỳ họp bất thường khác, để tiếp tục “dọn rác” cho những cuộc chiến của Tô Lâm.
Chưa bao giờ Tứ trụ và giới lãnh đạo Đảng khủng hoảng nhân sự như bây giờ. Sau khi chọn được người bổ sung cho Tứ trụ xong, các bên còn phải đấu nhau quyết liệt để đưa người bổ sung vào Bộ Chính trị.
Ban đầu, phe Nghệ An có đến 3 uỷ viên Bộ Chính trị, nhưng sau trận thư hùng vừa qua, phe Nghệ An chỉ còn lại 2. Nay Tô Lâm cũng muốn tranh phần, đưa thêm người Hưng Yên vào Bộ Chính trị, nhằm nâng cao sức mạnh cho phe Hưng Yên.
Hiện nay, phe Hưng Yên có 5 uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó có 2 người ở Bộ Công an, 2 người ở Bộ Quốc phòng, và 1 người làm Bí thư Tỉnh uỷ. Bất kỳ ai trong số này vào được Bộ Chính trị, cũng đều trở thành nhân vật “nặng ký”, giúp ích cho Tô Lâm rất nhiều.
Phe ông Tổng cùng với các nhóm thân hữu, như phe Nghệ An – Hà Tĩnh, đang tìm mọi cách hạn chế sức mạnh của phe Hưng Yên. Mà muốn hạn chế được phe Hưng Yên, thì hiệu quả nhất là hạn chế sức mạnh của Tô Lâm. Tuy nhiên, hiện giờ khó có thể hạn chế sức mạnh của Tô Lâm, bởi Tô Lâm đang bám chắc Bộ Công an. Tô Lâm chỉ rời đi khi tổ kén này thuộc về tay nhóm Hưng Yên của ông.
Hoàng Anh – Thoibao.de