Liệu Lê Thanh Hải có thể thoát truy tố, khi quyền lực của Tô Đại suy yếu?

Qua nhiều năm, kể từ năm 2020 đến nay, những sai phạm tày đình của ông Lê Thanh Hải tưởng chừng đã bị quên lãng, và ông Hải tưởng đã hạ cánh an toàn, vậy mà, đột nhiên, ông lại bị nhắc tên.

Cách đây ít lâu, cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trên thượng tầng, do Bộ trưởng Tô Lâm chỉ huy, đã trở nên rất quyết liệt. Vào thời điểm đó, công luận và giới phân tích cho rằng, ông “trùm” Lê Thanh Hải có khả năng cao là có thể gặp rắc rối lớn.

Tại kỳ họp lần thứ 41, diễn ra trong các ngày 6 và 7/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã đề nghị kỷ luật cựu Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Thanh Hải, cùng 2 cựu Chủ tịch thành phố, là các ông – Lê Hoàng Quân và Nguyễn Thành Phong, vì vi phạm nghiêm trọng các quy định, trong các dự án do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế – AIC thực hiện.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tô Lâm đã thể hiện sự suy yếu quyền lực một cách mau chóng. Dường như, ông bị các phe phái trong Đảng hợp sức “rút phép thông công”, để hạn chế quyền lực và mất khả năng trong việc tiếp tục loại bỏ các quan chức cấp cao tham nhũng.

Liên quan đến những sai phạm của ông Lê Thanh Hải, theo giới quan sát, việc lật lại những sai phạm cũ và mới của ông Hải, Bộ trưởng Tô Lâm hướng tới những kẻ bảo trợ về mặt chính trị cho tập đoàn tham nhũng này. Cụ thể, mục tiêu quan trọng nhất thúc đẩy Tô Lâm cho lật lại hồ sơ, để làm rõ: Những ai là kẻ chống lưng và nhận tiền của ông Lê Thanh Hải.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa 13 ngày 16/5, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định “cách tất cả chức vụ trong Đảng” của ông Lê Thanh Hải. Điều này hoàn toàn khác với các nhận định của công luận trước đây. Trên mạng xã hội, số đông cho rằng, lãnh đạo Đảng đã không khai trừ Đảng, để tạo tiền đề cho việc khởi tố, bắt giam ông Lê Thanh Hải, như dư luận mong đợi, mà chỉ “giơ cao đánh khẽ” như trước đây.

Số đông đã thất vọng và đặt câu hỏi: “sâu chúa Lê Thanh Hải đã nhờ phép mầu nào để thoát tội”. Bởi với mức kỷ luật khôi hài như trên rất có thể ông Hải sẽ không bị khởi tố. Ông đã có thể an tâm hưởng thụ tuổi già, với khối tài sản tham nhũng ăn cả mấy chục đời con cháu cũng không hết.

BBC đưa ra một đánh giá đáng chú ý:

“Theo Khoản 9, Điều 2, Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên, đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng khi vi phạm pháp luật, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.”

“Do đó, việc ông Hải chỉ bị cách chức mà không bị khai trừ, có thể hiểu rằng, Đảng đã đánh giá những sai phạm của ông Hải không tới mức xử lý hình sự.”

Theo giới quan sát, đó là sự đảo ngược kỳ vọng của công luận. Điều này có liên quan gì đến sự suy yếu quyền lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm hay không? Và câu trả lời được cho là, nếu như, việc xử lý ông Lê Thanh Hải là quyết tâm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thì một khi ông Tô Lâm thất thế, tất nhiên, ông Hải sẽ thoát tội.

Thế lực chống lưng cho Lê Thanh Hải trong những ngày vừa qua, đã lo ngay ngáy, ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu bắt Lê Thanh Hải, lâm vào đường cùng, ông Hải có thể sẽ khai ra tất cả, về việc đã đưa tiền cho những lãnh đạo cấp cao nào, thì có mà chết cả nút. Đó là chưa kể tới 2 vụ án mới bị phanh phui gần đây, là Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan, và AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Xử lý bằng cách “giơ cao, đánh khẽ” để ông Hải thoát tội là đúng quy trình.

Tháng 3/2020, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cách chức Bí thư Thành Hồ, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với ông Hải. Đây là một hình thức kỷ luật kỳ quái, là “đặc sản” của Việt Nam dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng. Trên thế giới, không quốc gia nào lại đi cách một chức vụ mà đương sự không còn giữ nữa.

Biện pháp kỷ luật này bị công luận coi là trò hề, là “giơ cao đánh khẽ”, và thể hiện sự bao che, dung túng, của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Trọng đối với ông Lê Thanh Hải.

Một khả năng khác, các phe cánh bảo kê về mặt chính trị cho Lê Thanh Hải đã hợp sức, “quật ngược” Tô Lâm. Đây là biện pháp ngăn chặn, không cho Bộ Công an lật lại hồ sơ đen, để làm rõ những ai là kẻ chống lưng cho ông Lê Thanh Hải.

Trước đây, Thanh tra Chính phủ đã phát giác, ông Lê Thanh Hải và Ban lãnh đạo thành phố có nhiều vi phạm nghiêm trọng, đồng thời kiến nghị thu hồi, xử lý 135.816 tỷ đồng, và yêu cầu thu hồi hơn 900 hécta đất. Nhưng cuối cùng, cựu Lê Thanh Hải đã chứng tỏ, ông ta là một nhân vật bất khả xâm phạm./.

 

Trà My – Thoibao.de