Cuộc sống mái tại Ba Đình chưa hề giảm bớt

Ngày 18/5, blog Hoàng Trường trên VOA bình luận “Trung ương 9: Bước ngoặt hay ngõ cụt?”

Theo đó, Trung ương Đảng ra một số quyết định về nhân sự để kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 “bấm nút”. Sau đợt ma-ra-tông này, cuộc sống mái giữa các phe phái ở Ba Đình liệu có giảm bớt?

Tác giả cho hay, Tổng Trọng đã “xáo lại các quân bài”. Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Minh Hưng vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị, chứ không phải bổ sung một tướng Công an. Tô Lâm nhận ghế Chủ tịch nước.

Tác giả nhận xét, rời Bộ Công an lúc này, còn có thể do thế của Tô Lâm giờ đây không còn như đầu năm. “Hổ về đồng bằng” liệu nanh vuốt sẽ “bị bào mòn” tiếp? Điều này tùy vào việc ai sẽ được chọn thay ông và người này ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an bao lâu?

Theo tác giả, cuộc “đảo lại các quân cờ” nói trên của Tổng Bí thư, có nguy cơ “trăm dâu đổ đầu tằm”. Dư luận không tin rằng, tất cả các vụ sau đây đều lỗi một mình Tô Đại tướng: Vụ tập kích thôn Hoành (Hà Nội) lúc rạng sáng ngày 9/1/2020; vụ ký 3 công văn “Mật” nâng khống giá trị của hợp đồng chuyển nhượng, liên quan đến AVG; và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức. Dẫu sao cũng khó đổ mọi chuyện lên đầu tân Chủ tịch?

Tác giả cho rằng, có lẽ, chưa lúc nào, cả nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam, khó khăn như những ngày này. Kinh tế và xã hội bết bát, việc Mỹ xóa nhãn “kinh tế phi thị trường” vẫn bấp bênh. Đu dây giữa trật tự Mỹ và trật tự Trung Hoa, là thách thức lớn về đối ngoại hiện nay. 

Tác giả đề cập đến chuyến công du của “Huệ Vương”, trong đó có ký một thỏa thuận, liên quan đến chuyện “hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế”. Có nghĩa là, việc bỏ phiếu của Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn toàn cầu, từ nay, răm rắp theo “chỉ lệnh” Bắc Kinh.

Ngày 9/4/2024, trong cuộc hội kiến giữa ông Huệ với Vương Hộ Ninh, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Ninh nhắc ông Huệ về việc, phải xây dựng và bảo vệ các công trình hữu nghị Trung – Việt truyền thống, kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng cửa khẩu thông minh, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới, khoáng sản then chốt…

Tác giả bình luận, dưới những áp lực kể trên, nay là dịp người dân trong nước “thấu thị” bản chất của thể chế không phải do họ tự lựa chọn. Người dân “thấu thị”, tuy không biết ất giáp chuyện gì đằng sau “những bức tường tre” kín mít ở Ba Đình. Ngay cả Hội nghị lần thứ 9 này cũng là “bí mật quốc gia”. Gần cả ngàn tờ báo dân phải bỏ tiền ra nuôi, cũng nhất nhất chỉ được đăng lại “lời vàng ý ngọc” của người phát ngôn Bộ Công an, mỗi khi liên quan đến các đại án của “các đại quan trong triều”.

Tác giả cho biết, Việt Nam mất khoảng 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài, trong 3 năm qua, và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính. Trung ương 9 chưa mở ra bước ngoặt nào!

Tác giả đánh giá, sự thâu tóm quyền lực giữa các phe phái không loại trừ nguy cơ dẫn đến cát cứ. Ý chí tại vị của Tổng Bí thư sau Đại hội 14 không suy suyển, dù tuổi cao, sức yếu… Các quy định về tổ chức, cơ cấu độ tuổi, vùng miền, về lý lịch xuất thân, học vấn… tất yếu sẽ xung đột, khiến cho quá trình bình chọn của Đảng đi vào thế bế tắc.

Tác giả nhận định, cuộc sống mái giữa các phe phái ở Ba Đình vẫn chưa thể giảm bớt. Mà rối loạn càng tăng, đấu đá càng kéo dài dễ dẫn đến vỡ trận, mất kiểm soát về mọi mặt, dễ bị thế lực ngoại bang thao túng. Sự dàn xếp mang tính thoả hiệp với quá nhiều xung đột, khiến các giải pháp kém chất lượng và dẫn đến hệ thống dễ sụp đổ.

Tất cả những điều này đều cho thấy, Trung ương 9 đang rơi vào ngõ cụt, vào bế tắc, chứ không phải “bước ngoặt”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de