Nguyễn Văn Yên lên thớt, Phan Đình Trạc lung lay, cảnh “huynh đệ tương tàn” trong Ban Bí thư!

Tại kỳ họp thứ 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/6, ông Trần Cẩm Tú đã chỉ đích danh ông Nguyễn Văn Yên – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương. Được biết, ông Yên là cấp phó của ông Phan Đình Trạc tại Ban Nội chính Trung ương.

Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm Tra Trung ương lâu nay được xem là “anh em một nhà”, ngôi nhà chung của cả 2 là Ban Bí thư. Hai ban này đều là công cụ của Tổng Trọng bao lâu nay. Ông Trọng giao một người Nghệ An và một người Hà Tĩnh đứng đầu 2 cơ quan quan trọng này.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa Phó ban Nội chính Trung ương lên thớt, được xem như, “anh em một nhà” tương tàn lẫn nhau. Nếu ông Trọng còn đủ minh mẫn, ông còn sức khỏe để trực tiếp điều hành Ban Bí thư, thì khó có chuyện để cho anh em một nhà “chém giết” lẫn nhau như thế.

Trước nay, Ban Bí thư vẫn hoạt động trơn tru dưới bàn tay điều hành của Tổng Trọng. Trong khoảng hơn 1 năm qua, ông Trọng đã nhường vai trò điều hành Ban Bí thư cho bà Trương Thị Mai, và bà Mai cũng không để cảnh “huynh đệ tương tàn” xảy ra. Xem ra, bà Mai là người có khả năng quản lý Ban Bí thư. Tuy nhiên, sau khi bà Mai bị đánh gãy ghế, thì sóng gió trong Ban Bí thư mới nổi lên.

Khi Ban Bí thư bị kích cho nội loạn, thì thế và lực của Tổng Trọng trên chính trường cũng bị yếu đi rất nhiều.

Điều đáng nói là, khi Ban Bí thư nội loạn, người chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này trước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không ai khác chính là ông Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư.

Tô Lâm chính là người đã hạ gục 3 đại đệ tử của ông Trọng, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, và giờ đây, ông đang tiếng hành kế hoạch đánh phá Ban Bí thư từ bên trong. Có thể nói, sau khi thành công cấy nội gián vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tô Lâm đã và đang điều khiển Trần Cẩm Tú đi theo quỹ đạo của ông. Việc Trần Cẩm Tú quay đầu, chĩa mũi dùi vào Ban Nội chính Trung ương, cho thấy, Tô Lâm thật sự muốn nhìn thấy Ban Bí thư của ông Trọng tương tàn nhau.

Người mà ông Tô Lâm căm ghét nhất, nhưng cũng ngán ngại nhất, là Phan Đình Trạc, chứ không phải Nguyễn Văn Yên. Tuy nhiên, với cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương, và cũng xuất thân từ ngành Công an, Phan Đình Trạc có thể đọc được ý đồ của Tô Lâm. Cho nên, muốn đánh trực tiếp vào Phan Đình Trạc là điều không hề dễ dàng đối với Tô Lâm trong lúc này.

Ông Nguyễn Văn Yên chỉ là người thừa hành, thông thường, chủ mưu trong các vụ sai phạm phải là cấp trưởng. Việc Trần Cẩm Tú nhắm vào Nguyễn Văn Yên, thì điều đó cũng được ngầm hiểu rằng, ông đang nhắm tới Phan Đình Trạc.

Cách đánh của Tô Lâm trong thời gian qua, đều theo một công thức chung, đó là, đánh mạnh vào thuộc cấp để buộc cấp trưởng phải thoái lui. Vụ Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ cũng đều dùng cùng một công thức như thế.

Ông Trọng hiện đã gần đất xa trời, sức khỏe không còn bao nhiêu, quyền lực chính trị cũng theo sự suy yếu về sức khỏe của ông, mà bước vào giai đoạn xế chiều. Trong khi đó, Tô Lâm là nhân vật đang lên. Trên thực tế, Tô Lâm đang có sức mạnh vượt trội nhất, trong các thế lực chính trị thượng tầng. Rồi thời điểm phải thay thế ông Trọng ở cương vị Tổng Bí thư cũng sẽ diễn ra, không thể đảo ngược.

Việc ông Trọng tham quyền cố vị, không chịu rời ghế, đã khiến cho Tô Lâm càng mất kiên nhẫn. Không ngồi được vào ghế Tổng Bí thư sớm, Tô Lâm xúi thành phần nội gián làm loạn Ban Bí thư, bởi Tô Lâm có đủ “đồ chơi” để thực hiện ý đồ đó.

Thời của ông Nguyễn Phú Trọng đã hết, không biết, ông có nhận ra điều đó hay không? Nếu ông còn cố bám víu quyền lực, Đảng Cộng sản của ông lại càng trở nên loạn hơn mà thôi.

 

Thái Hà – Thoibao.de