Quân đội hóa Ban Bí thư, Tổng quyết chiến đến “hơi thở cuối cùng”, và hậu quả!

Hiện nay, bộ máy truyền thông của chế độ đang che chắn cho một ông già sắp xuống lỗ, nhưng vẫn cố bám víu quyền lực.

Đây thực sự là một bi kịch cho đất nước, khi mà các vấn đề của quốc gia bị xem nhẹ. Vì ở thượng tầng chỉ lo đánh nhau chí tử, kẻ thì bày mưu để giật cho được chiếc ghế quyền lực, kẻ thì dồn hết tâm trí vào những ván cờ, chỉ cốt làm sao giữ được chiếc ghế quyền lực.

Trong tác phẩm Trại Súc Vật, tác giả George Orwell viết: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác.”

Quả thật, ở Việt Nam, có một nhóm con vật bình đẳng hơn những nhóm khác. Đấy là nhóm ở thượng tầng, tự cho mình cái quyền được giành hết quyền lợi cho riêng mình, và gạt bỏ quyền lợi của 100 triệu dân.

Kinh tế đất nước đang ngày một khốn đốn, nguyên nhân là thượng tầng chỉ lo đấu đá, không đầu tư chất xám cho những chính sách vĩ mô, làm sao để quản lý đất nước hiệu quả hơn, làm sao để nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Một nhiệm kỳ 5 năm, nhưng hết 3 năm cuối là thời kỳ hỗn loạn tranh giành quyền lực trong Đảng. Hai năm đầu cũng hỗn loạn, nhưng mức độ không bằng 3 năm cuối. Mọi chính sách triển khai gần như đều thất bại, tuy nhiên, thành tích thì vẫn cứ “ngoạn mục”, vì đã có bộ máy tuyên giáo tô vẽ thành tích.

Có người ví von, Tổng Trọng như một người mê đắm quyền lực một cách bệnh hoạn. Ông xem quyền lực còn quan trọng hơn tính mạng của bản thân, và ông cố bám vào thứ ma lực này cho đến hơi thở cuối cùng. Với đà này, có lẽ, rồi cũng đến lúc, thuốc Tàu của các bác sĩ Trung Quốc cũng sẽ phải đầu hàng.

Từng nắm Bộ Công an và là Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Trọng vốn có sức mạnh vô đối trên chính trường. Nay, Bộ Công an bị vuột khỏi tay, Bộ Quốc phòng cũng đang dần rời khỏi bàn tay ông, khi mà chính ông không còn đủ sức khỏe để chủ trì các cuộc họp Quân ủy Trung ương. Đồng thời, có những chỉ dấu cho thấy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng tỏ ra là người thức thời, không còn bám vào một ông già gần đất xa trời.

Bộ Công an từng là thanh kiếm trên tay phải, Bộ Quốc Phòng từng là thanh kiếm bên tay trái của ông Trọng. Nay cả 2 bàn tay của ông chẳng còn giữ được thanh kiếm nào. Đấy là dấu hiệu cho thấy, sự nghiệp chính trị của ông đã đến hồi cáo chung, nhưng có vẻ như, ông vẫn không cam chịu. Ông vơ lấy 2 Tướng Quân đội để củng cố sức mạnh cho Ban Bí thư – nơi được xem là sân nhà của ông.

Đại tướng Lương Cường được bố trí vào vị trí Thường trực Ban Bí thư, thay mặt ông Trọng chống chọi với sóng to gió lớn, do phe phản nghịch gây ra. Ngoài ra, ông còn nâng Thượng tướng Quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính trị, để gia cố sức mạnh cho Ban Bí thư của ông. Có lẽ, vì bị vuột mất 2 thanh kiếm lợi hại, nên ông đã vơ quàng 2 ông tướng quân đội hết thời, để chắp vá cho những gì đã mất.

Giả sử, ông Trọng chấp nhận luật chơi chung đã được quy định trong Đảng luật, thì thượng tầng chính trị cũng không đến nỗi loạn như bây giờ. Sau khi ông Trọng lên làm Tổng Bí thư, thì ông đã lập nên tiền lệ xấu – tiền lệ tranh cướp.

Mà khi những người lãnh đạo Đảng và nhà nước chỉ lo tranh cướp, thì họ còn quan tâm đến trật tự được quy định trong các văn bản luật hay không?

Nếu ông biết nghĩ xa, biết vì lợi ích chung, dù không vì lợi ích quốc gia, thì cũng nên vì lợi ích của Đảng và của bản thân ông, thì ông đã không cố bám víu quyền lực như thế. Ông có nêu một gương tốt, thì những thế hệ sau mới có thể noi theo.

Khi Đảng Cộng sản bớt loạn, thì họ mới có thời gian, giới lãnh đạo mới có tâm trí để thực hiện các chính sách mà Đảng đưa ra. Từ đó, nền kinh tế Việt Nam ít nhiều cũng có lợi, hơn là để cho thượng tầng loạn và chỉ lo đấu đá tranh giành.

 

Thái Hà – Thoibao.de