Ngày 20/6, ông Putin – tên tội phạm chiến tranh bị thế giới văn minh xa lánh, lại được đón tiếp trọng thị tại Phủ Chủ tịch của Việt Nam.
Điều đáng nói là, người gửi lời mời tới tội phạm chiến tranh Putin là Tổng Trọng, nhưng lại để cho Tô Lâm – tân Chủ tịch nước, đón tiếp.
Về mặt nhà nước, thì việc ông Tô Lâm đón tiếp ông Putin, được xem là hợp lễ, bởi cả 2 là đồng cấp. Còn Tổng Trọng là người đứng đầu Đảng cầm quyền, không phải đồng cấp với ông Putin.
Tuy nhiên, nếu so sánh, thì tháng 9/2023, ông Trọng đã gạt bỏ vai trò Chủ tịch nước của Võ Văn Thưởng qua một bên, để đích thân đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Lúc đó, hành động này đã bị dư luận phản ứng gay gắt, và Bộ Ngoại giao Việt Nam phải giải thích rằng, chính Tổng Bí thư là người mời Tổng thống Mỹ, nên Tổng Bí thư đứng ra đón tiếp.
Với lập luận như vậy, thì nay, việc ông Trọng không đón tiếp ông Putin, mà lại để cho Tô Lâm làm thay, lại là điều bất thường, bởi chính ông Trọng mới là người mời ông Putin.
Chuyện ông Trọng gạt bỏ vai trò của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sang bên, để đón tiếp các nguyên thủ quốc gia đến thăm, xảy ra đến hai lần. Sau lần đón tiếp Tổng thống Mỹ, chính là lần tiếp đón ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo nghi lễ, khi ông Tập đến thăm cấp nhà nước, thì phải là Chủ tịch nước đón tiếp. Rồi sau đó, Tổng Bí thư Đảng có thể tiếp kiến riêng. Tuy nhiên, ông Trọng cũng lại gạt ông Thưởng sang một bên, để tự mình đóng vai chính trong buổi đón tiếp.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao, ông Trọng chính là người mời mọc ông Putin, nhưng lại không đón tiếp ? Điều gì ẩn khuất đằng sau việc ông hô “xung phong”, nhưng rồi lại “buông súng” như vậy? Đây phải chăng là điềm báo cho một sự kết thúc đối với sự nghiệp chính trị ông?
Có 2 lý do khiến ông Tô Lâm thay ông Tổng để đón tiếp ông Putin: Hoặc là Tô Lâm đủ sức mạnh để lấn lướt, khiến ông Tổng không dám gạt Tô Lâm sang một bên, như đã từng làm với Võ Văn Thưởng; hoặc là ông Trọng không còn đủ sức khỏe để đón tiếp ông Putin.
Với khả năng Tô Lâm lấn lướt ông Trọng, thì đây là điềm báo cho thấy, sức mạnh chính trị của Tổng Trọng đã đến hồi suy tàn. Trước đây, ông không coi vị trí Chủ tịch nước ra gì, chỉ coi như chân chạy vặt để ông sai khiến, nhưng giờ đây, ông buộc phải tuân thủ đúng luật chơi, mà không được quyền lấn sân.
Với khả năng ông không còn đủ sức khoẻ để đứng trước lễ đài cùng ông Putin, thì đấy là điềm báo, tuổi thọ của ông đã cạn. Điều này đồng nghĩa với việc, vai trò chính trị của ông cũng sắp kết thúc.
Dù ông Trọng vắng mặt trong buổi đón tiếp ông Putin vì lý do nào đi chăng nữa, thì cũng là điềm báo cho sự cáo chung của triều đại Nguyễn Phú Trọng.
Tô Lâm trong vai trò nguyên thủ quốc gia theo nghi lễ, nhưng lại nắm thực quyền thông qua Bộ Công an, thì trên thực tế, quyền lực của ông chẳng khác nào Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước – vị trí có thể sánh ngang với ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc, chỉ là chưa chính thức mà thôi.
Bàn cờ chính trị Việt Nam đang dần đổi chủ, vai trò của Tô Lâm ngày càng rõ, và vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng ngày một mờ nhạt. Có lẽ, việc ông Tổng gắng gượng để thu xếp nhân sự cho Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, là nỗ lực cuối cùng của ông. Giờ đây, cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe chính trị của ông đều suy yếu rất nhiều, khó có thể hồi phục.
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước, thì ông Putin gặp ông Tô Lâm trước tiên, với nghi lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia; rồi đến gặp ông Phạm Minh Chính; tiếp đó là gặp Tổng Trọng; và cuối cùng là gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Từ trật tự của các cuộc gặp gỡ này cho thấy, ông Trọng đã bị đẩy xuống vị trí thứ 3, chỉ trên ông Trần Thanh Mẫn. Có lẽ, ông Tổng đã bị 2 người kia gạt ra rìa!
Trần Chương – Thoibao.de