Vì sao bất ngờ Tô Đại đảo quân, “siết chặt” vòng vây với phe Nghệ Tĩnh và Tổng Trọng?

Trái với những đồn đoán từ giới thạo tin, cho rằng, với sự dàn xếp của lãnh đạo Trung Quốc, các phe phái trong Đảng đã thống nhất hưu chiến, và đồng thuận để Chủ tịch nước Tô Lâm là người kế nhiệm Tổng Bí thư, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng rút lui.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, liên quan đến chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam trong tháng 6/2024, thực hiện theo lời mời của Tổng Trọng. BBC Việt ngữ đã đưa ra một bình luận gây tranh cãi:

“Ngay cả khi ông Tô Lâm lên vị trí Chủ tịch nước, thì ông Trọng vẫn đảm trách việc mời và tiếp nguyên thủ các nước lớn. Điều này, tô đậm vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một số nhà quan sát cho rằng, điều này cho thấy, ông Tô Lâm vẫn chưa xoay chuyển được tình hình hiện nay.”

Theo giới chuyên gia, mục tiêu cao nhất của ông Tô Lâm và phe cánh hiện nay, là xóa sổ phe Nghệ Tĩnh, gồm 2 nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là thế lực chính trị lớn nhất trong những năm qua, đồng thời cũng là bệ đỡ quyền lực của Tổng Trọng.

Mới nhất, 2 thành viên của phe Nghệ Tĩnh là Đinh Tiến Dũng – cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội; và Nguyễn Văn Yên – Phó ban Nội chính Trung ương – một đàn em thân cận của ông Phan Đình Trạc, vừa bị xử lý kỷ luật. Theo giới thạo tin, đây là những đòn “dằn mặt” của ông Tô Lâm đối với phe Nghệ Tĩnh.

Trong khi đó, một động thái khác từ Bộ Công an đã được giới quan sát chú ý. Báo VietNamNet ngày 20/6 đưa tin, “Đại tá Nguyễn Xuân Thao được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh”. Bản tin cho biết, sáng ngày 20/6, tại Hà Tĩnh, Bộ Công an đã công bố quyết định của Bộ trưởng Công an, về việc điều động Đại tá Nguyễn Xuân Thao – Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại, đến nhận chức Giám đốc Công an Hà Tĩnh.

Cũng tại buổi lễ, Cục Tổ chức Cán bộ (Bộ Công an) đã công bố quyết định của Bộ trưởng Công an, về việc điều động, bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an Hà Tĩnh, nhận chức vụ Giám đốc Công an Đồng Nai.

Theo giới quan sát, đây là việc đổi Giám đốc Công an Hà tĩnh, bằng một “tai mắt” mới của ông Tô Lâm, là Đại tá Nguyễn Xuân Thao. Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an Hà Tĩnh lại bị chuyển về Đồng Nai – một địa bàn cũ của Thiếu tướng Vũ Hồng Văn – em vợ ông Tô Lâm. Ông Văn đang là thành viên quan trọng, trong Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Trần Cẩm Tú.

Trước nay, Tô Lâm đã tạo cho Bộ trưởng Công an quyền được bổ nhiệm trực tiếp, đối với vị trí giám đốc công an của 63 tỉnh thành trên cả nước. Đây chính là hệ thống tai mắt của ông, để giám sát, theo dõi các hoạt động, cũng như các sai phạm, của lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước.

Gần đây, đã có những dấu hiệu bất thường về các nhân vật cấp cao của phe Nghệ Tĩnh. Mới nhất, trong Lễ trao bàn giao công tác giữa Chủ tịch nước Tô Lâm với tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, đã vắng mặt đồng thời 3 nhân vật người Nghệ Tĩnh, đứng đầu các cơ quan Tổ chức, Kiểm tra, và Nội chính Trung ương. Đây là điều hết sức khó hiểu.

Biết rằng, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo này do Tổng Trọng đứng đầu, mà Trưởng ban Nội chính chính là Phó trưởng ban Thường trực. Ngoài ra còn có 4 phó trưởng ban khác, gồm: Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bộ trưởng Bộ Công an, và một Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đó là lý do tại sao, Bộ Công an đã bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Xuân Thao làm tân Giám đốc Công an Hà Tĩnh; đồng thời đưa Giám đốc Công an Hà Tĩnh luân chuyển về một địa bàn mà Bộ Công an có thể theo dõi và giám sát. Theo giới thạo tin, tới đây, Giám đốc Công an Nghệ An – Thiếu tướng Bùi Quang Thanh, cũng sẽ “được” Bộ Công an xem xét, để luân chuyển sang một vị trí “phù hợp” hơn.

Những điều vừa kể cho thấy, ông Tô Lâm đã và đang, không ngừng gây áp lực lên phe Nghệ Tĩnh. Điều này được đánh giá là một hình thức gián tiếp gây áp lực, buộc Tổng Trọng phải rời bỏ chính trường, để giao toàn bộ quyền lực cho ông Tô Lâm.

Tuy nhiên, chính trị Việt Nam đang nằm trong vòng cương tỏa của Trung Nam Hải, thì việc Bắc Kinh “giương Đông, kích Tây”, kích động các bên đấu đá nhau vẫn là một thủ đoạn chính trị muôn thuở. Ai thắng, ai thua, cuối cùng cũng chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ do Trung Quốc giật dây mà thôi./.

 

Trà My – Thoibao.de