Phò Tổng lúc sắp tàn, Lương Cường lại thua Phan Văn Giang một bàn!

Hồi đầu năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Chủ tịch nước, đã phong hàm Đại tướng cho Lương Cường và Tô Lâm cùng một lượt. Lúc đó, Tô Lâm đang là Bộ trưởng Công an, còn Lương Cường là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông Trọng dự định cơ cấu cho ông Lương Cường làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay cho ông Ngô Xuân Lịch nghỉ hưu.

Tại Đại hội 13 có 2 trận thư hùng lớn. Trận thứ nhất giữa Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ, tranh ghế Thủ tướng. Trận thứ 2 là giữa Phan Văn Giang và Lương Cường, tranh ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở trận đầu, Vương Đình Huệ bất ngờ thua Phạm Minh Chính, và phải nhận giải an ủi là Chủ tịch Quốc hội. Ở trận thứ 2, Phan Văn Giang giành chiến thắng ngoạn mục, khi ông chỉ mới mang hàm Thượng tướng. Thế là, Lương Cường đành ngậm ngùi ngồi lại ghế Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chờ thời.

Mãi đến tháng 5/2024, khi Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bị đánh gãy ghế, thì ông Lương Cường mới có cơ hội trám vào vị trí do bà Mai để lại. Được biết, vị trí Thường trực Ban Bí thư được xếp thứ 5, chỉ sau “Tứ trụ”. Vị trí này còn cao hơn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nếu ông Lương Cường nắm vị trí này sớm hơn, ông có khả năng chiếm lợi thế trước Phan Văn Giang, trong cuộc đua vào “Tứ trụ” nhiệm kỳ tới, vào năm 2026. Tuy nhiên, việc ông Cường phò Tổng Bí thư tại thời điểm này, bị xem là quá muộn. Bởi thời gian của ông Tổng xem như sắp hết.

Tại Hội nghị Trung ương 9, ông Trọng kéo Lương Cường về Ban Bí thư, giao cho chức Thường trực Ban Bí thư, như cách để chặn đứng những đòn đánh của ông Tô Lâm nhằm vào phe Đảng. Với vị thế là Tướng Quân đội, ông Lương Cường miễn nhiễm với bộ máy điều tra của Tô Lâm. Tuy nhiên, lợi thế của ông cũng chỉ đến đấy, ông không có trong tay bộ máy điều tra, không thể tìm ra chứng cứ có thể lật ngược tình thế với Tô Lâm.

Chỉ có thể thủ mà không thể công, ông Lương Cường sẽ rất vất vả để lèo lái Ban Bí thư. Như vậy, về phò ông Tổng Bí thư vào lúc này, ông Cường chỉ gánh vác thêm nhiệm vụ nặng nề, còn phần hưởng lợi gần như không có. Mà Ban Bí thư có nguy cơ sẽ rã đám, nếu ông Trọng chết bất ngờ. Với tình trạng sức khỏe hiện nay, việc ông Trọng về chầu Karl Marx ngay trong năm nay là rất cao.

Khi ông Tô Lâm đánh rụng ông Võ Văn Thưởng, rồi đến ông Vương Đình Huệ, và sau đó là và Trương Thị Mai, nếu ông Phan Văn Giang liên kết với ông Nguyễn Phú Trọng, ra tay tấn công ngược vào ông Tô Lâm, thì rất có thể, tình thế hiện nay đã khác. Có vẻ như, ông Trọng đã cầu cứu ông Phan Văn Giang, và ông Giang cũng đã cho điều tra Công ty Xuân Cầu của ông Tô Dũng – em trai Tô Lâm. Nhưng dường như, ông Phan Văn Giang chỉ làm cho có, làm để vừa lòng ông Tổng, chứ không phải làm rốt ráo vấn đề.

Trong chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam, ông Phan Văn Giang đã tháp tùng ông Tô Lâm ở vị trí cánh tay phải của Chủ tịch nước, cùng tham gia hội đàm với phái đoàn Nga. Khả năng cao, Tướng Giang chọn Tô Lâm chứ không phải chọn Nguyễn Phú Trọng.

Thật ra, nếu nghĩ xa, không ai lại đi chọn phò ông Trọng vào lúc này. Bởi nếu sức mạnh chính trị của ông Trọng vẫn bảo toàn, thì sức khỏe của ông cũng sẽ không cho phép ông ngồi ở ghế quyền lực lâu nữa.

Giờ đây, nếu biết chọn phe mà chơi, thì đấy sẽ là cơ hội để tiến thân trong nhiệm kỳ sau. Còn nếu chọn nhầm phe, thì rất có thể, sự nghiệp chính trị sẽ bị chôn vùi.

Với những gì đã và đang diễn ra, cho thấy, một lần nữa, ông Lương Cường lại đi nước cờ sai trước đối thủ Phan Văn Giang, ít nhất là cho đến thời điểm này. Việc ông Lương Cường nhận trách nhiệm uốn nắn ông Tô Lâm vào khuôn khổ, xem ra là việc làm quá sức đối với ông Đại tướng Quân đội này.

 

Trần Chương – Thoibao.de