Bài viết có tựa ‘Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng trên truyền thông tại Việt Nam hôm 26/04.
“Công tác con người” được nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt nam nhấn mạnh sau ba ngày ông phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc hôm 23/04 và Ban Bí thư vừa chỉ đạo cho tiến hành trở lại đại hội đảng bộ cơ sở sau hơn ba tuần phải tạm dừng để tập trung kiểm soát dịch bệnh Cúm Vũ Hán.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Trọng cho rằng “đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi” và “thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực“.
“Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực… vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật.
“Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện TƯ quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự,” Tổng bí thư Trọng viết. “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự.”
Ông Trọng đề cập tới thời điểm chuyển giao thế hệ cũ và mới với lớp mới được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có “thể chế chính trị khác nhau“.
Nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh về điều ông gọi là “những biểu hiện đáng lo ngại” về “tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân” theo đó “tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi“.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra hiện tượng về những cán bộ ‘Có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất’
“Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là cán bộ chủ chốt) thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?” ông Trọng hỏi và để dẫn nhập vào các tiêu chí giới thiệu và lựa chọn nhân sự mà ông nói rõ ràng là “vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề“.
Uỷ viên BCH TƯ khoá 13, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc” và ông mượn câu thơ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” để nói về điều này.
Trong khi ông Trọng nhấn mạnh về kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn thì ông cũng không muốn để lọt vào BCH TƯ khoá 13 những người “có một trong một loạt khuyết điểm“.
Chữ “tham nhũng” và “lợi ích nhóm” được ông đề cập tới nhiều trong bài viết và Tổng bí thư cảnh báo về thành phần “cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt…”.
Ông Trọng mô tả về các đối tượng “kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính” là thành phần không thể để lọt vào BCH TƯ.
Ông Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng “để những người đó [không đủ tiêu chuẩn] lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”.
Theo ông, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự lãnh đạo chủ chốt cần làm sau khi làm nhân sự BCH TƯ và ông cảnh báo “chống các biểu hiện tiêu cực chính ngay trong các cán bộ có trách nhiệm, các đại biểu Đại hội và các thành viên của Tiểu ban [Nhân sự Đại hội 13] và Tổ Giúp việc của tiểu ban này.
Tổng Bí thư Trọng, cũng nói về nguyên tắc “lãnh đạo tập thể” và “lãnh tụ tập thể“.
“Tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt. Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một BCH TƯ mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu…,” Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận.
Trước tình hình dịch Cúm Vũ Hán diễn biến phức tạp, nhằm tập trung mọi nguồn lực vào việc kiểm soát dịch bệnh và tránh tập hợp đông người, Ban Bí thư TW Đảng CSVN đã có chỉ thị tạm hoãn đại hội cấp cơ sở.
Giới quan sát trong nước đưa ra bình luận về liệu việc tập trung vào chống dịch có thể ảnh hưởng gì không tới cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ Đảng cộng sảnvà chính quyền.
Nguyễn Hữu Vinh nói: “Rõ ràng không khí nói chung toàn xã hội trong mấy tháng nay tập trung rất nhiều vào việc chống dịch bệnh. Theo dõi báo chí, nội dung chống dịch chiếm phần lớn các trang báo. Từ tháng 3, Tòa án tối cao cũng đã có chỉ thị gửi tòa toàn quốc tạm ngừng xét xử các vụ án đang trong thời gian giải quyết. Tiếp đó lại có chỉ thị ngừng tiếp đến 15/4.
Ví như trong cuộc họp thứ 17, tháng 1/2020, có đặt ra mục tiêu năm 2020 kết thúc điều tra 21 vụ án,… truy tố 23 vụ án … Bên cạnh đó là 5 nhiệm vụ trọng tâm khác nữa, khó mà thực hiện được tốt.
Một khi không đạt được thành tích đã đặt ra trước đại hội 13, thì không khó để nhận thấy tác động của nó tới những khâu quan trọng nhất của đại hội sẽ tới đâu, trong đó có vấn đề nhân sự.
Tạm hình dung, như vụ Thủ Thiêm, nếu không làm kịp, tương đối triệt để trước đại hội, thì không khéo sẽ có những vị dính chàm nặng, chưa bị phanh phui, mà vẫn bước chân vào trung ương, để rồi chỉ thời gian ngắn sau lại ra tòa, vào tù.”
Blogger Nguyễn Hữu Vinh đưa ra nhận định.
Bình luận về tính độc lập của hệ thống tư pháp Việt nam liên quan đến công cuộc đốt lò chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt nam, Luật sư Lê Công Định nói: “Thật ra, hệ thống toà án Việt Nam từ ngày Đảng cộng sản Việt nam cầm quyền cho đến nay chưa bao giờ độc lập trong xét xử.”
“Lý luận về “nhà nước pháp quyền” mà Đảng cộng sản Việt nam đưa ra từ khi các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa chuyển đổi dân chủ, cũng không thừa nhận quan niệm tam quyền phân lập.
Xưa nay Đảng cộng sản Việt nam luôn tập trung mọi quyền lực nhà nước trong tay, can thiệp vào mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, kể cả chức năng tư pháp.
Tiền lệ xấu đó thực ra đã trở thành tập quán bất biến từ lâu, chứ không phải chỉ mới từ hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây.
Vì vậy, các chỉ đạo của ban lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt nam về “đốt lò” chẳng qua đều được thực hiện theo tập quán vốn dĩ trong lề lối cai trị đó của họ.”
Ông Nguyễn Hữu Vinh nói:
“Trước hết, phải nói cái câu ngạn ngữ thời nay, rằng “án bỏ túi” nó cứ đeo đẳng dai dẳng hệ thống tư pháp Việt Nam, mà hiếm khi nào được báo chí nhà nước đem ra mổ xẻ xem tại sao.
Cụ thể hơn, là khi thực hiện một vụ án, cuối cùng là xét xử, thì các cơ quan tư pháp phải được quán triệt là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho uy tín của đảng, sự ổn định tư tưởng của dân. Bắt, bỏ tù một ông bộ trưởng, chắc là dân hoan hô. Nhưng nếu không dừng ở đó, để ông ta khai ra mấy ông nữa, ông to hơn nữa, hoặc rõ ra ông ta phạm tội phải đến mức tử hình cơ, thì nó lại hơi nguy hiểm cho chế độ, “dứt dây động rừng”, hay là làm nửa vời.
Còn trong mấy năm nay, cuộc chống tham nhũng được đẩy lên, đem lại một số kết quả bằng những vụ án lớn.”
Như vậy, dễ thấy là các cơ quan tư pháp phải cố thực hiện những mục tiêu được đặt ra, phải gồng mình lên, trong khi trình độ, nhân lực có hạn; hệ thống pháp luật còn hổng, chồng chéo; chính trị nội bộ phức tạp với những mối quan hệ mờ ám, che đỡ cho nhau, v.v.. Và thế là, rất dễ dẫn đến kết quả là những phiên xử, những bản án thiếu công minh, hoặc oan, hoặc để lọt.
Đơn cử mới đây, ông cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thừa nhận nhận hối lộ 3 triệu đô, báo chí hớn hở, không ít người mừng, cho là sự kiện lịch sử, thành tích lớn cho cơ quan tư pháp … Nhưng kỳ thực, khoản đưa/nhận hối lộ đó hoàn toàn do hỏi cung mà ra, chứ không phải cơ quan điều tra có được chứng cứ.
Luật sư Lê Công Định cho rằng:
“Khi hô hào chống tham nhũng, Đảng cộng sản Việt nam luôn kêu gọi sự tham gia của quần chúng nhân dân vào công cuộc chung này, nhưng đó chỉ là lời nói suông.
Trên thực tế, họ không bao giờ cho phép người dân chống tham nhũng một cách chủ động, và luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của đảng đối với công cuộc chống tham những, mà thực chất là chống tham nhũng theo định hướng và mang màu sắc đấu đá phe phái nội bộ.”
Nguyễn Hữu Vinh đưa ý kiến:
“Từ rất lâu rồi, vai trò của người dân trong việc đóng góp ý kiến xây dựng đất nước nói chung, chống tham nhũng nói riêng, đã không được coi trọng. Những ngôn từ có tính tuyên truyền quá nhiều, nhưng trên thực tế thì quá ít. Lý do dễ thấy là đảng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, luôn lo sợ không kiểm soát được tình hình, một khi trao quyền cho dân giám sát đảng.
Người dân thì nơm nớp lo sợ bị trả thù khi muốn tố cáo hiện tượng tham nhũng cho cơ quan có trách nhiệm. Nếu họ muốn thông qua tổ chức, đoàn thể để an toàn hơn, có sức mạnh hơn, thì cũng không thể vì họ quá biết các tổ chức này cũng chỉ là cánh tay nối dài của đảng, cũng đầy kẻ tham nhũng. Thế là tham nhũng ngày càng lộng hành, uy tín của đảng với dân đi xuống, nguy cơ tồn vong càng lớn.”
Bình luận về một số ý kiến yêu cầu phải Công khai, dân chủ, đa dạng hóa công cuộc chống tham nhũng Luật sư Lê Công Định nói: “Yêu cầu công khai hoá, thậm chí dân chủ hoá công cuộc chống tham nhũng đã được đặt ra từ lâu và ngày càng được xã hội đồng lòng kêu gọi nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ được lắng nghe.”
“Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam là tập trung dân chủ, nhưng trên thực tế chỉ là tập trung độc đoán và loại trừ dân chủ.
Do đó, như tôi đã nói ở trên, công cuộc chống tham nhũng hiện nay được lèo lái theo định hướng có chủ đích và mang màu sắc đấu đá phe phái nội bộ nhiều hơn là một phong trào của toàn xã hội.
Mọi quyết định tối hậu chỉ tập trung vào một người, nên việc tổ chức thực hiện hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức khoẻ của vị đó mà thôi.
Lâu lâu báo chí nhà nước đăng tải thông tin xử lý người này người nọ vì những khuyết điểm nào đó, thì người dân mới biết, còn không thì chẳng ai biết việc gì đang xảy ra.
Mọi tiến trình xử lý đều thiếu minh bạch.” Luật sư Lê Công Định đưa ra bình luận.
Nguyễn Hữu Vinh nhận định:
“Không thể “công khai hóa việc chống tham nhũng” mà lại không động tới việc phải công khai hóa nhiều vấn đề khác của nhà nước, từ quy hoạch thành phố, đấu thầu dự án, … cho tới đánh giá cán bộ v.v…
Không thể “dân chủ hóa” chỉ riêng việc “chống tham nhũng” mà không có dân chủ trong việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, củng cố thanh lọc bộ máy tư pháp, … thậm chí là cả đường lối chủ trương của đảng.
Nên một khi chống tham nhũng theo cách (lãnh đạo) đảng làm, dân ngồi xem, hoặc hoan hô, thì kết quả chắc chắn sẽ chẳng bao nhiêu, lại dễ bị nghi ngờ là tận dụng cuộc chống tham nhũng chủ yếu để giải quyết vấn đề nội bộ.”
Đảng Cộng sản đã cai trị người dân Việt Nam trên 75 năm nay, nhưng gần 1 thế kỷ cầm quyền đã trôi qua, mà Đảng vẫn lúng túng và ngày càng sa lầy vào các vấn đề quẫn bách, vì lý luận mà họ áp dụng đã trở nên cổ hủ, lạc hậu. Dẫn đến bị các băng nhóm trong Đảng thao túng, dựa vào cái mác “đảng viên” để tha hóa, tham nhũng, ăn cắp của công, bóc lột người dân thậm tệ.
Điều có thể làm trong lúc này, là Đảng cần nên sớm trả lại những quyền căn bản cho nhân dân để xây dựng một nhà nước pháp quyền, Dân chủ và Tự do.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)