Bất đồng giữa Tổng Trọng và Thủ tướng Chính về “ngoại giao cây tre” cho thấy điều gì?

Chính sách đối ngoại của Đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay, vẫn được giới quan sát quốc tế đánh giá là chính sách ngoại giao “đu dây”, không kiên định. Tổng Bí thư Trọng gọi đó là chính sách “ngoại giao cây tre”.

Năm 2023, Việt Nam đã liên tiếp nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác “chiến lược toàn diện” với Hoa kỳ (tháng 9/2023), và Nhật Bản (tháng 12/2023). Điều này được đánh giá là bước tiến mới trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Ngày 28/12, BBC Tiếng Việt có bài bình luận về chính sách đối ngoại của Ban lãnh đạo Hà Nội. Bài phân tích của tác giả Quảng Trí, với tiêu đề “Sự vênh nhau giữa các vị lãnh đạo ở Hội nghị Ngoại giao 32”.

Tác giả đánh giá, sự vênh nhau trong quan điểm đối ngoại, đánh giá cục diện tình hình và tìm kế sách ứng phó, giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính: “là câu chuyện của tư duy”.

Theo đó, ngành ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, diễn ra từ ngày 19 đến ngày 23/12. Trong 5 ngày họp, ngoài việc đánh giá cục diện quốc tế để tìm đối sách phù hợp, lần này, Hội nghị còn có thêm một công việc mới, đó là thảo luận về đề án “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu và thể hiện quan điểm, “phân biệt rạch ròi và tuyên bố công khai 3 nước có quan hệ đặc biệt”, đó là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Tác giả Quảng Trí phân tích nhiều vấn đề từ quan điểm của ông Trọng. Nhất là việc ông Trọng đặt 3 nước này lên trên cả các “đối tác chiến lược toàn diện”, như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Điều đó cho thấy, ông Trọng coi mối quan hệ giữa 3 nước Đông Dương, Việt Nam – Lào – Campuchia, cũng như mối quan hệ với Trung Quốc, vẫn theo tư duy từ thời “chiến tranh lạnh”.

Quan trọng hơn, tác giả tiết lộ, tham dự Hội nghị Ngoại giao nói trên sau đó một ngày, trong phát biểu chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, “Ngoại giao cây tre ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế còn bị động, ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm”.

Theo giới quan sát, dẫu Thủ tướng Chính chỉ đề cập trong “lĩnh vực kinh tế”, nhưng hàm ý ở đây của ông Phạm Minh Chính, phải chăng, đã gián tiếp chỉ trích, “chủ thuyết ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nặng về “ứng phó”, thay vì hành động có tính chủ động, nhất là thể hiện vai trò lãnh đạo trong các thể chế ở tầm khu vực”.

Điều này càng cho thấy, lâu nay, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam thường bị đánh giá là một chính khách bảo thủ, già nua, trì trệ trong tư duy. Mặt khác, việc người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được cho là, chưa sử dụng thành thạo smartphone hay máy vi tính, trong “thế giới phẳng” ngày nay là điều đáng báo động.

Giáo sư Alex Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương (APCSS) của Hoa kỳ, đã từng đưa ra nhận xét rằng, “chính sách “ngoại giao cây tre” chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh, còn bây giờ, quan hệ quốc tế đã chuyển sang “pha” mới, thời kỳ đối đầu Đông – Tây, ngày nay có Mỹ và phương Tây một bên, còn phía bên kia, Trung Quốc và Nga.”

Vẫn theo Giáo sư Alex Vuving, “những mô thức từng sử dụng từ thời “hậu Chiến tranh Lạnh” không thể áp dụng được nữa. Cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, thì “cây tre Việt Nam” hoàn toàn có thể bị con gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Cho nên Việt Nam phải tìm một phương thức mới”.

Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rõ ràng cho thấy, có quá nhiều sự khập khiễng. Trong lúc, tình hình thế giới và khu vực cũng như tư duy trong chính sách đối ngoại toàn cầu, đã và đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, nhưng Tổng Bí thư Trọng vẫn kiên định với thứ tư duy còn rơi rớt từ thời hậu Chiến tranh Lạnh, là điều hết sức nguy hiểm.

Vẫn còn may, với tư duy phản biện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dũng cảm chỉ ra những sai lầm của Tổng Bí thư Trọng, điều mà trước đây không ai dám nói.

Trong khi, mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây là xóa sổ tất cả các quốc gia độc tài, các thể chế chính trị chuyên quyền. Vì đó là mầm mống của sự bất ổn toàn cầu.

Một khi, Ban lãnh đạo Hà Nội vẫn còn sử dụng chính sách nước đôi như hiện nay, vẫn dựa vào Trung Quốc và Nga để bảo vệ chế độ độc tài, đồng thời dựa vào Hoa Kỳ và phương Tây để phát triển kinh tế, thì không bao giờ Mỹ và phương Tây đối xử và giúp đỡ thật lòng đối với Việt nam./.

Trà My – Thoibao.de

31.12.2023