Ngày 12/1, trên Facebook cá nhân của Kiến trúc sư Dương Quốc Chính có bài phân tích “Vì sao người ta quan tâm?”
Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:
Sau những tin đồn vừa rồi, nhiều người comment với 2 luồng chính, đại ý là:
– Ôi dồi, quan tâm làm gì. Người ta sắp xếp cả rồi. Đã có Đảng và nhà nước lo.
– Kệ mẹ, thằng nào lên cũng vậy thôi. Vẫn nát như tương.
Câu 1 thì phe đỏ và thiện lành hay chém. Câu 2 là phe vàng và bất mãn (có thể cũng đang thiện lành) hay chém.
Mình thì thái độ bình thản thôi, nhưng thấy 2 câu trên đều là vô tri, thiếu hiểu biết, dù ở 2 chiều ngược nhau.
Dưới chế độ chuyên chế, thì ở khắp thế giới đều giống nhau ở chỗ, thường thì cái chết của lãnh tụ đều có khả năng dẫn tới thay đổi lớn. Lãnh tụ càng quyền lực thì khả năng đó càng cao.
Ví dụ như, khi Lenin, Stalin chết, Mao chết, Lê Duẩn chết, đều dẫn tới những thay đổi khá lớn cho Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, thậm chí có thể là 1 bước ngoặt về chính trị hay kinh tế.
Trung Quốc và Việt Nam thì giống nhau, đó là đổi mới, quay xe 90 độ, bởi Đặng Tiểu Bình, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt.
Liên Xô gần như nội chiến bởi cuộc đại thanh trừng của Stalin, sau khi Lenin chết, ông ta đẩy Liên Xô vào tình trạng chuyên chế cao hơn. Sau đó, Liên Xô cũng rẽ tới 60 độ bởi Khrushchev, sau khi Stalin chết, theo hướng mềm dẻo hơn, nhưng lại quay về gần như con đường cũ bởi Brezhnev, kẻ thay thế Khrushchev. Nhưng cái chết của Andropov lại dẫn tới cú ngoặt gần 180 độ bởi Gorbachev kế nhiệm, và đoàn tàu Liên Xô đã bị lật.
Cuba và Bắc Triều Tiên không có biến cố lớn bởi họ hạ cánh mềm bởi người nhà. Kế vị lãnh tụ chính là con/em ông ta, nên không có cú sốc nào cả. Nhưng Cuba vẫn có 1 số thay đổi tương đối lớn, sau khi Fidel Castro nghỉ rồi chết. Kim Chính Nhật cũng thay đổi cách cai trị Bắc Triều Tiên, nhưng ngược đời là theo hướng tăng thêm sự chuyên chế so với thời Kim Nhật Thành. Kim Ủn duy trì con đường của bố cậu ta sau khi ông ấy chết.
Các ví dụ trên cho thấy, những thay đổi lớn và không có dự báo hay tính toán trước. Hay có thể gọi là biến cố. Nhưng không phải cứ thay đổi lãnh đạo Cộng sản là có thay đổi lớn vậy, mà đa phần là không thay đổi quá nhiều.
Thường chỉ có thay đổi lớn khi người đang nắm quyền phải có mức độ tập trung quyền lực rất cao. Như Trung Quốc, khi ông Đặng Tiểu Bình chết thì cũng đã chia sẻ quyền lực dần dần rồi, và khi ông Giang, ông Hồ nghỉ thì Trung Quốc không có biến động lớn, dù Giang, Hồ, Tập có con đường khá khác nhau. Nhưng đó là vì Trung Quốc đã có quy hoạch từ sớm người lãnh đạo kế nhiệm, và quan trọng nhất là, nhà lãnh đạo chỉ nghỉ hưu chứ không chết, khi còn đang tại vị.
Các ví dụ nêu trên, khi có biến cố lớn, đều là lãnh tụ đang tại vị thì chết.
Chính ra, chính trị các nước dân chủ mới là ổn định, nếu nhà lãnh đạo bất ngờ chết hay mất chức. Đó là khi Tổng thống Roosevelt, Kennedy chết, Nixon từ chức…
Bởi chính sách của lãnh đạo cũng đã ổn định bởi đảng của ông ta, quyền lực của ông ta cũng đã bị chia sẻ với quốc hội (có cả đối lập). Sự thay đổi chỉ tương đối lớn khi đổi đảng lãnh đạo, nhưng cũng không quá lớn và hoàn toàn có thể dự báo trước, không ai bất ngờ gì cả, do chủ trương của đảng và việc vận động tranh cử đã diễn ra cả năm trước. Vì thế, 2 câu trên dành cho bọn tư bản giãy chết khéo đúng hơn!
Quay lại Việt Nam, lần này dư luận quan tâm đến sức khỏe của Tổng Bí thư là rất chính xác. Bởi ông là nhân vật quyền lực nhất kể từ thời Lê Duẩn, thậm chí còn mạnh hơn Lê Duẩn, do thời Lê Duẩn còn có Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi bên cạnh 1 thời gian dài. Các ông Đồng, Chinh, Giáp cũng đều có uy tín lớn để có thể chia sẻ quyền lực. Còn bây giờ thì có ai?
Tương tự vậy, nếu ông Tập có mệnh hệ gì, Trung Quốc sẽ khác hẳn thời Giang, Hồ nghỉ hưu, nên người ta sẽ quan tâm hơn. Ông Putin ở nước Nga cũng vậy. Sẽ có thay đổi lớn khó lường nếu Putin chết. Mà khả năng cả 2 ông này chết khi còn tại vị là cực kỳ cao, sẽ không ai chịu nghỉ khi còn khỏe đâu.
Nhưng nếu cụ Biden lăn ra chết, sẽ chẳng có biến cố gì lớn đâu!
Ý Nhi – thoibao.de
14.1.2024