Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là mối quan tâm và lo lắng lớn đối với người tiêu dùng tại Việt Nam. Đặc biệt là với các bậc phụ huynh học sinh, khi tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các trường học đang gia tăng.

Báo Tuổi Trẻ ngày 5/4 đưa tin, “Vụ một học sinh tử vong ở Nha Trang: Còn 28 em bị ngộ độc đang nằm viện”. Bản tin cho hay, các bậc phụ huynh học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường, Nha Trang, đã rất lo lắng, chờ đón con em, sau khi có tổng cộng 37 học sinh bị ngộ độc thực phẩm và được nhà trường đưa đi bệnh viện vào sáng 5/4/2024. Trong đó có một nữ sinh lớp 5 của trường tiểu học Vĩnh Trường đã tử vong.

Thông cáo báo chí của Uỷ ban Nhân dân thành phố Nha Trang cho biết, vào lúc 6h55’ ngày 5/4, tại trường Tiểu học Vĩnh Trường, một em học sinh lớp 5, sau khi tự ăn sáng xong vào trường, thì bị mệt và ngất xỉu. Hai tiếng sau, có thêm 19 em khác cũng có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, đau đầu, nên nhà trường đã chuyển các em vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Tâm trí Nha Trang.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, đến cuối ngày 5/4, vẫn còn 28 học sinh của trường Tiểu học Vĩnh Trường và trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo bị ngộ độc thực phẩm, vẫn phải nằm theo dõi, điều trị tại các bệnh viện ở Nha Trang.

Một lãnh đạo ngành giáo dục ở thành phố Nha Trang cho truyền thông hay, các em học sinh kể rằng, đã ăn cơm gà, bánh mì gà xé và bánh mì ốp la, trong cùng một quán ăn ở phía trước trường. Hiện công an và các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, xác định nguyên nhân của vụ việc, và tiếp tục công khai thông tin.

Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Nha Trang đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Mới đây nhất, ngày 13/3, tại quán ăn Trâm Anh trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), hàng loạt người đã có triệu chứng bị ngộ độc, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau khi ăn cơm gà tại quán này.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm, ở Việt nam có khoảng 250 đến 500 vụ ngộ độc thực phẩm, với số nạn nhân vào khoảng 7.000 đến 10.000 người, trong đó có khoảng 100 đến 200 ca tử vong.

Công luận hết sức lo ngại về tình trạng ngộ độc thực phẩm có tính hệ thống như vừa kể, đề nghị chính quyền thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa phải có biện pháp xử lý triệt để.

Qua tìm hiểu, phóng viên của thoibao.de được biết, hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh tình trạng mất vệ sinh, thì việc sử dụng các loại hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, là điều hết sức phổ biến. Do chạy theo lợi nhuận, người sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn sử dụng những biện pháp bảo quản, kích thích tăng trưởng không hợp lý, hoặc làm giả các hàng hóa thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên thoibao.de, chị Huệ ở Hà Nội cho biết:

“Tình trạng ngộ độc thực phẩm trong các trường học ở Nha trang, đã khiến cho phụ huynh học sinh hết sức lo lắng. Đặc biệt tình trạng mất vệ sinh và an toàn thực phẩm như hiện nay. Thực sự, tôi đã mất niềm tin vào tình trạng vệ sinh và an toàn thực phẩm hiện nay.”

Trước thắc mắc rằng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, các quốc gia khác đã làm khá thành công. Nhưng tại sao, ở Việt Nam, việc quản lý đã làm từ lâu, song không đạt được kết quả? Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Khoa Công nghệ Thực phẩm, Học viện Nông nghiệp, giải thích:

“Các nước khác đa số là sản xuất với quy mô công nghiệp, với số đầu các doanh nghiệp chỉ khoảng vài trăm. Còn ở Việt Nam, có tới 9 triệu hộ tham gia vào quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, với trình độ học vấn, ý thức chấp hành pháp luật, tập tục tập quán cũng khác nhau.”

Về giải pháp để chấm dứt tình trạng trên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho rằng:

“Chuyển thể từ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh hàng hóa, thì nhà nước cần có hệ thống pháp luật tiên tiến hơn, đầy đủ hơn và chế tài mạnh hơn, để đảm bảo quyền được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.”

Công luận thấy rằng, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh các căn bệnh gây ra từ thực phẩm độc hại, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế và xã hội.

Việc các nông sản của Việt Nam, khi xuất khẩu sang các nước phát triển bị trả lại, do không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đã và đang là những bài học đắt giá./

 

Trà My – Thoibao.de