Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn thuận về việc khởi tố, bắt tạm giam, đối với ông Dương Văn Thái – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đại biểu Quốc hội khóa 15.
Báo Tuổi Trẻ này 1/5 đưa tin, “Đồng ý việc khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái”. Bản tin cho hay, tối 1/5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông cáo về việc cho phép khởi tố, bắt tạm giam, và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.
Trước đó, ngày 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046, tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Đại biểu Quốc hội đối với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, để cơ quan chức năng thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam.
Được biết, ông Dương Văn Thái sinh năm 1970, quê Bắc Giang, có trình độ tiến sĩ kinh tế. Ông Thái trưởng thành từ cán bộ văn hóa thông tin – thể dục thể thao thị xã Bắc Giang, sau đó về làm cán bộ thuế, thuộc Chi cục Thuế thị xã Bắc Giang. Ông Thái giữ chức Bí thư tỉnh Bắc Giang từ ngày 14/10/2020, và là Uỷ viên Trung ương Đảng khóa 13, từ tháng 7/2021 đến nay.
Hôm 15/4, Bộ Công an đã bắt 3 cán bộ của tỉnh Bắc Giang do dính tới vụ án Tập đoàn Thuận An, và 2 lãnh đạo công ty này, về các tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa/ nhận hối lộ”. Trong đó có tên ông Dương Văn Thái, với cáo buộc nhận hối lộ lớn từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thuận An.
Cũng liên quan đến Công ty Thuận An, ngày 22/4, Bộ Công an đã bắt ông Phạm Thái Hà – Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Vụ bắt giữ này được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ông Vương Đình Huệ – ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, phải xin từ chức.
Công luận thấy rằng, tin khởi tố và bắt giam ông Dương Văn Thái đã xuất hiện cách đây khoảng 20 ngày, do đó, việc nhắc lại Nghị quyết số 1046 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành ngày 26/4 đối với ông Thái, là điều bất thường. Đây có thể là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường – một nhân vật thân cận với Vương Đình Huệ, cũng sắp phải ra đi.
Được biết, ông Bùi Văn Cường cũng là người thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ký thông báo triệu tập phiên họp bất thường lần thứ 7 của Quốc hội khóa 15, vào ngày 2/5. Nội dung kỳ họp này là xem xét về vấn đề nhân sự, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị cho thôi các chức vụ.
Trong kỳ họp bất thường lần thứ 6 vào ngày 21/3, Quốc hội cũng đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.
Theo các hãng tin, phiên họp bất thường của Quốc hội Việt Nam lần này để chuẩn thuận cho ông Vương Đình Huệ từ chức.
Theo giới phân tích, nếu như theo tiêu chuẩn “Tứ trụ” là phải trải qua một nhiệm kỳ Uỷ viên Bộ Chính trị, thì nay Đảng chỉ còn có 2 ứng viên. Đó là bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm – là những người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để trám vào hai vị trí này. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể, bà Trương Thị Mai sẽ làm Chủ tịch Quốc hội, còn ông Tô Lâm sẽ nắm chức Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, vị trí Chủ tịch nước là một chiếc ghế có “dớp”, mà trong vài nhiệm kỳ gần đây, đã liên tiếp có nhiều đời chủ tịch nước gặp “tai nạn”. Có thể kể từ ông Trần Đại Quang, người qua đời sau khi giữ chức này được hơn 2 năm; trong khi, 2 người kế nhiệm là ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng đều phải rời chức vụ khi mới tại nhiệm hơn 1 năm.
Chưa kể đến việc, từ vị trí Chủ tịch Quốc hội rồi trở thành Tổng Bí thư, đã có tiền lệ, như 2 ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Cũng có khả năng, ông Tô Lâm chọn ghế Chủ tịch Quốc hội của ông Huệ để ngồi tạm trong một thời gian ngắn, trước khi chuyển sang ghế Tổng Bí thư, thay thế cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Quốc hội Việt Nam khóa 15 dự kiến tổ chức kỳ họp thứ 7 trong thời gian 1 tháng, kể từ ngày 20/5. Việc Quốc hội phải triệu tập kỳ họp bất thường lần này, được cho là do áp lực của ông Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de