Tổng Trọng già nua bệnh tật, vẫn phải chiến đấu chống Tô tới “hơi thở cuối cùng”?

Ở tuổi 80, sức khỏe đã dần cạn kiệt và bệnh tật đầy mình. Nhưng dường như, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa chịu dừng cuộc chơi, cho dù, sự tham quyền cố vị của ông đã khiến thuộc hạ từng thân cận với ông một thời, đã nổi lên tạo phản.

Ông Trọng không chỉ có tham vọng bám ghế lâu dài. Ông còn có tham vọng đồng phục hóa toàn Đảng, nghĩa là, ông muốn toàn Đảng trở thành một phe duy nhất – đó là “phe lò” do chính ông cầm đầu. Đó cũng là lý do, tại sao ông lại dựng lên “cái lò vĩ đại”, để đốt hết “đồng chí” này đến “đồng chí” khác.

Ông dựng lò để thanh lọc hết thành phần mà ông không thích. Nhưng vì bản chất tham quyền cố vị, muốn ngồi lì trên đỉnh cao quyền lực, mà thuộc hạ đã dần dần tách ra khỏi phe của ông, thậm chí trở thành kẻ thù.

Tô Lâm chỉ là trường hợp nổi trội nhất. Còn những người chưa thể hiện ra mặt, nhưng bực bội trong lòng thì rất nhiều. Nếu ông Trọng có thể diệt được Tô Lâm, thì cũng sẽ có người khác làm phản tiếp. Cho nên, ông Trọng sẽ không thể đồng phục được toàn Đảng.

Đã trải qua 3 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cảm thấy chưa đủ. Giờ đây, với sức khỏe yếu kém, ông lại phải “ngự giá thân chinh” để dẹp loạn. Mà mầm loạn lại từ ông mà ra. Chính ông đã nuôi dưỡng Tô Lâm, cho Tô Lâm quyền lực quá lớn, và cũng chính ông bám ghế quá lâu, khiến Tô Lâm mất hết kiên nhẫn, thế là nổi loạn.

Lẽ ra, Hội nghị Trung ương 9 là kỳ họp chuẩn bị một phần cho Đại hội 14, sẽ diễn ra sau gần 20 tháng nữa, nhưng Hội nghị này đã bị đổi hướng. Thay vì bàn chuyện tương lai, Trung ương Đảng giờ đây chỉ tập trung gỡ rối, giải quyết những việc mà Tô Lâm đã gây ra trước đó. Có khả năng, kết thúc Hội nghị Trung ương 9 mà việc ổn định giữa các phe phái vẫn chưa xong.

Cho đến nay, Bộ Chính trị đã rụng hết 6 người, mà tại Hội nghị Trung ương 9 chỉ mới bầu bổ sung được 4 người. Hiện, Bộ Chính trị vẫn đang thiếu 2 nhân sự. Nguyên nhân được cho là, do các bênh ngã giá vẫn chưa xong.

Với 2 vị trí trống này, Tô Lâm muốn đưa người của Bộ Công an vào, và Phạm Minh Chính cũng muốn đưa người của Chính phủ vào. Trong khi đó, sau khi đưa được 4 người của Ban Bí thư vào Bộ Chính trị, thì ông Trọng không muốn cho bất cứ phe nào được bổ sung thêm. Hiện nay, Ban Bí thư của ông Trọng có 8 uỷ viên Bộ Chính trị, chiếm phân nửa Bộ này, và chiếm ưu thế tuyệt đối so với các phe. Nếu mở cửa cho bên Công an hay Chính phủ, quyền lực của phe ông Tổng sẽ giảm đi.

Sự thật là, ông Trọng đã nỗ lực rào lại Bộ Chính Trị, với con số 16, mục đích là không để cho phe Tô Lâm có thể củng cố lực lượng. Tuy nhiên, ông Trọng có thành công hay không, vẫn phải đợi đến kỳ họp Quốc hội sau 2 ngày nữa, và cùng với việc công bố nhân sự mới cho Bộ Công an của tân Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.

Nội loạn nổi lên ở thượng tầng chính trị, có nguyên nhân sâu xa từ sự tham quyền cố vị của Tổng Trọng. Dù sức khỏe yếu với bệnh tật đầy mình, nhưng ông Trọng vẫn phải gồng lên, vất vả chống đỡ và đánh trả Tô Lâm.

Nếu ông Trọng bại, Tô Lâm sẽ giải quyết ông; nếu ông thắng, thì liệu ông còn có thể ngồi được bao lâu nữa, với tuổi tác và sức khỏe như vậy?

Ông Trọng đang chiến đấu chống lại Tô Lâm đến “hơi thở cuối cùng”. Nhưng e rằng, hơi thở cuối cùng của ông có thể đến trước cả thời điểm mà Tô Lâm từ bỏ quyền lực. Lúc đó, mọi nỗ lực của ông sẽ trở thành “công cốc”, bởi ngày khi ông tàn hơi, “cái lò” của ông sẽ rơi vào tay kẻ thù, và lúc đó, những đồ đệ của ông sẽ phải chịu trận.

Nguyễn Phú Trọng càng cố chứng tỏ sức mạnh, thì chính trị Việt Nam càng loạn.

 

Trần Chương – Thoibao.de