Hội nghị Trung ương 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc sáng 18/5, theo lịch trình đã sắp xếp, với thời gian 3 ngày, trong bối cảnh, cuộc chiến quyền lực trên thượng tầng lãnh đạo cấp cao có dấu hiệu cho thấy, phe Tổng Trọng đã lật ngược được thế cờ, đẩy Bộ trưởng Tô Lâm vào thế bị động.
Theo giới quan sát, nhiều tháng qua, ông Tô Lâm và lãnh đạo Bộ Công an lợi dụng chủ trương chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, để hạ bệ hàng loạt lãnh đạo cấp cao.
Đáng chú ý, bà Trương Thị Mai – một chính khách nữ nổi tiếng, về điều được cho là “sạch sẽ nhất”, bất ngờ chủ động xin từ chức, và được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn thuận trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 9.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đã có liên tiếp 3/5 lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng lần lượt khăn gói ra đi, với cùng tội danh tham nhũng. Theo một số ý kiến, nhân vật kế tiếp sau bà Mai sẽ bị Bộ Công an “rờ tiếp”, khả năng cao sẽ là Tổng Trọng, chứ không phải ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ.
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao, Bộ trưởng Tô Lâm và Ban lãnh đạo Bộ Công an đang ở thế mạnh như chẻ tre trước đó, bỗng bị lật ngược thế cờ nhanh chóng, “từ đỉnh cao về vực sâu”?
Có một điều cần khẳng định, đó là, sự góp mặt của các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng như Lương Cường và Phan Văn Giang, đã giúp ông Trọng nhanh chóng xoay chuyển tình thế, là điều ai cũng biết. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, một loạt hồ sơ về các sai phạm của Bộ trưởng Tô Lâm và Công ty Xuân Cầu Holding – Công ty gia đình của Tô Lâm, với quy mô khổng lồ, đã bị Bộ Quốc phòng điều tra và xử lý.
Trước đó, theo giới phân tích, nếu Công ty Xuân Cầu Holding của ông Tô Dũng – em trai Tô Lâm, mà bị quân đội điều tra, thì đây chính là mối hiểm họa tiềm ẩn lớn nhất đối với sự nghiệp chính trị của Tô Lâm.
Nguồn tin của thoibao.de mới đây còn tiết lộ:
“Có một Công ty rất lớn của Tập đoàn Xuân Cầu ở Tây Ninh, vốn là địa bàn chính trị cũ của ông Trần Lưu Quang – Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và Bí thư Thành ủy Hải Phòng.”
Đáng chú ý, ông Quang được nhà Tô Lâm xem như người trong gia đình.
Quan trọng hơn, theo ý kiến một số người, sự thất bại của Tô Lâm là do quá “chủ quan khinh địch”. Lẽ ra, theo chủ ý của Bộ tham mưu riêng cho Tô Lâm, do Tướng Nguyễn Văn Hưởng cầm đầu, thì trước khi buộc bà Mai phải chủ động xin từ chức, thì Bộ Công an phải lật lại hồ sơ về những sai phạm của Trợ lý Tổng Bí thư Hồ Mẫu Ngoạt. Cách làm này theo đúng kịch bản “bắt trợ lý để buộc thủ trưởng phải từ chức”, mà Tô Lâm rất thành thạo.
Dư luận và giới thạo tin cho rằng, Trợ lý của Tổng Trọng – ông Hồ Mẫu Ngoạt, là một “trùm” chuyên buôn vua và chạy án tham nhũng. Đó là lý do vì sao, trong công tác nhân sự của Tổng Trọng, có rất nhiều uỷ viên Trung ương khóa trước đã bị hay đang chờ kỷ luật, mà đến Đại hội Đảng khóa sau vẫn được Tổng Trọng đưa vào cơ cấu để trở thành ủy viên Trung ương, thậm chí lên tiếp ủy viên Bộ Chính trị, là vì như vậy.
Xin nhắc lại, theo thoibao.de đã đưa tin, tháng 9/2020, một Uỷ viên Trung ương phụ trách Công tác bảo vệ Chính trị Nội bộ, đã chủ động gặp và yêu cầu Tổng Trọng phải cho Trợ lý Hồ Mẫu Ngoạt nghỉ hưu ngay lập tức. Nếu không, sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng xử lý bằng pháp luật. Chỉ sau đúng 2 tuần, Hồ Mẫu Ngoạt lặng lẽ “khăn gói quả mướp” về vườn.
Sau Đại hội 12, Hồ Mẫu Ngoạt không trúng Ủy viên Trung ương Đảng, theo quy định, ông không đủ tiêu chuẩn đảm trách chức vụ Trợ lý Tổng Bí thư. Nhưng Tổng Trọng bất chấp quy định, vẫn để cho Hồ Mẫu Ngoạt tiếp tục làm Trợ lý của mình. Và thế là, ông Ngoạt lại tiếp tục làm mưa làm gió.
Đó là lý do khiến người ta tiếc cho Bộ trưởng Tô Lâm, chỉ vì một phút lơ là mà làm hỏng “đại sự”, và bỏ lỡ cơ hội trở thành Tổng Bí thư – người có quyền lực cao nhất của Việt Nam./.
Trà My – Thoibao.de