Lương Tam Quang lên, Đinh Tiến Dũng xuống, nhóm Ninh Bình như “rắn không đầu”!

Nhóm Ninh Bình lâu nay vẫn là là nhóm lợi ích mạnh. Từ thời ông Trần Đại Quang cho đến nay, nhóm này luôn có uỷ viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, vì người đứng đầu nhóm không muốn đầu quân cho Tổng Trọng, nên người ở vị trí cao nhất trong nhóm đã bị ngã ngựa giữa nhiệm kỳ.

Có lẽ, nếu ông Trần Đại Quang chịu đầu quân cho Nguyễn Phú Trọng, thì ông đã không phải nhận được cái kết bi thảm như thế. Cứ như nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh, tận tụy phục vụ ông Trọng, rồi dựa vào thế che chở của ông, mà nuôi nhóm lớn mạnh.

Mới đây, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy Hà Nội bị loại khỏi vũ đài chính trị. Như vậy, Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất người Ninh Bình đã bị loại, xem ra, nhóm Ninh Bình khó có chỗ nào để bám víu. Hiện nay, có 6 uỷ viên Trung ương Đảng gốc Ninh Bình, trong đó, Trần Quốc Tỏ được xem là người có tiếng nói mạnh nhất, có khả năng vào Bộ Chính trị hơn cả, thì cũng đã trở thành người thua cuộc.

Bộ Công an vốn là lãnh địa của Tô Lâm. Trong lúc, cả Bộ Chính trị muốn ngăn cản Tô Lâm đưa Lương Tam Quang lên làm Bộ trưởng, mà Trần Quốc Tỏ không tận dụng được cơ hội, thì giờ đây, xem như ông Tỏ đã là kẻ thua cuộc. Mặc dù là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an – rất gần với vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng ông Tỏ bị điều kiện tuổi tác, ngăn cản vào Bộ Chính trị ở nhiệm kỳ sau.

Nhóm Ninh Bình vốn có truyền thống dựa vào Bộ Công an, và nhóm Hưng Yên cũng thế. Trước đây, nếu ông Trần Đại Quang chịu đầu quân cho phe Nguyễn Phú Trọng, thì sẽ không có Tô Lâm như ngày nay. Bộ Công an sẽ là Bộ Ninh Bình, chứ không phải Bộ Hưng Yên như bây giờ. Vì tham vọng chính trị, Trần Đại Quang đi sai nước cờ, khiến giờ đây nhóm Ninh Bình phải chịu lép vế trước nhóm Hưng Yên.

Tại Bộ Công an, Tô Lâm cho Lương Tam Quang chặn đường tiến thân của Trần Quốc Tỏ. Tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tô Lâm cho Nguyễn Duy Ngọc chặn đường Lâm Thị Phương Thanh – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng (là người Ninh Bình). Chưa hết, ông Tô Lâm cũng cho đánh mạnh vào Ban Nội chính Trung ương. Việc bắt giữ Nguyễn Văn Yên – cấp phó của Phan Đình Trạc, cho thấy, những cấp phó khác của ông Trạc không dễ bề yên thân với Tô Lâm. Được biết, bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng là người Ninh Bình.

Dựa trên số lượng uỷ viên Trung ương Đảng, Ninh Bình là một trong những nhóm có nhiều ủy viên, cùng với Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, và Hưng Yên. Trong đó, nhóm Hưng Yên muốn đè đầu nhóm Ninh Bình cùng với nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh đang chống trả quyết liệt, còn nhóm Ninh Bình, xem ra, không đủ lực để tự bảo vệ chính mình. Nguyên nhân là nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh được ông Tổng Bí thư che chở, còn nhóm Ninh Bình phải tự thân.

Triệt được Trần Quốc Tỏ, xem như, vào nhiệm kỳ sau, Ninh Bình không còn ai có thể vào được Bộ Chính trị. Từ đó, Tô Lâm có thể yên tâm với nhóm Ninh Bình, mà dồn lực để chiến với nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tương lai của nhóm Ninh Bình đang “tối như đêm 30”, bởi Trần Quốc Tỏ không có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình. Thời Trần Đại Quang làm Bộ trưởng, ông cũng vận động để em trai mình theo con đường như Phạm Minh Chính, tức là, rời Bộ Công an để nắm bí thư một tỉnh, sau đó trở về Trung ương và vào Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Trần Quốc Tỏ không phải là Phạm Minh Chính, nên sau khi rời Bộ Công an, thì không thể trụ vững, mà sau đó phải trở về Bộ Công an để nương tựa. Nhưng khi ông Tỏ trở về Bộ Công an, thì là lúc Bộ này đã nằm gọn trong tay Tô Lâm. Trần Quốc Tỏ được bố trí cho vị trí “Thứ trưởng Thường trực”, nhưng lại không có thực quyền. Cuối cùng phải chịu thua Lương Tam Quang.

 

Trần Chương – Thoibao.de