Nguồn gốc của “ngoại giao cây tre”

Ngày 27/7, BBC Tiếng Việt có bài: ‘“Ngoại giao cây tre”: từ Đổi mới đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Theo đó, “ngoại giao cây tre” được đánh giá là một trong những di sản nổi bật về đối ngoại của Tổng Trọng. Thực ra, đây là một chủ trương đã đi vào thực tiễn, trước thời ông Trọng rất lâu.

BBC cho biết, khái niệm “ngoại giao cây tre” lần đầu tiên được ông Trọng đưa ra hồi năm 2016.

Hà Nội từ trước tới nay thường tuyên bố muốn “làm bạn với tất cả các nước”, và thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, với “đường lối đối ngoại đa phương, uyển chuyển”, như hình tượng cây tre, cứng chắc về mặt nguyên tắc, linh hoạt về cách thức, về chiến thuật thực hiện.

Nhưng, BBC khẳng định, đây chính là phương châm mà ông Hồ Chí Minh đã nói, trong giai đoạn chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Lấy cái bất biến là độc lập dân tộc, để ứng phó với vạn biến của tình hình thế giới.

BBC cũng cho biết, trước khi qua đời, ông Trọng đã kịp tiến hành những bước đi mang tính cột mốc.

Tháng 9/2023, Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, 2 nước nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Tháng 12/2023, Hà Nội đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” với Bắc Kinh, sau nhiều năm lảng tránh.

BBC dẫn truyền thông Việt Nam, theo đó, ngày 19/12/2023, ông Trọng đã tự hào nói rằng, nền ngoại giao cây tre của Việt Nam “ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi”.

BBC cho rằng, tên gọi “ngoại giao cây tre” có thể được chính Tổng Trọng nói ra, và được tuyên truyền mạnh mẽ dưới thời của ông, nhưng thực ra, đường lối đối ngoại “làm bạn với tất cả các nước” đã có một lịch sử lâu dài.

Chủ trương này thể hiện trên thực tiễn với nhiều sự kiện nổi bật, từ thập niên 1990 đến nay: Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, xác định lại quan hệ với Nga, và các nước Đông Âu thời hậu Xã hội Chủ nghĩa, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế.

Có thể thấy, “ngoại giao cây tre”, về thực chất là một chủ trương của Đảng Cộng sản, đã đi vào thực tiễn từ rất lâu, trước khi ông Trọng lên lãnh đạo Đảng.

BBC dẫn lời ông Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ, nói rằng, chính sách ngoại giao cây tre của ông Trọng “dĩ nhiên là có điểm yếu”.

“Việt Nam không có đồng minh quân sự, và không rõ có nước nào sẵn lòng giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích, khi có xung đột vũ trang.”

“Nếu Việt Nam đủ quan trọng với các cường quốc, thì họ vẫn sẽ giúp Việt Nam khi cần, kể cả khi Việt Nam vẫn giữ vững trung lập.”

“Chính sự trung lập này giúp các cường quốc yên tâm là Việt Nam sẽ không làm tổn hại lợi ích của họ.”

BBC trích lời Giáo sư Alexander Vulving từ Hoa Kỳ, bình luận, chính sách “ngoại giao cây tre” chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong thời kỳ mới, với “tranh chấp Đông – Tây mới – Mỹ và phương Tây một bên, Trung Quốc và Nga một bên”, thì công thức ngoại giao này “không phải là giải pháp hữu hiệu,”

“Gió to, gió lớn thế này, thì tre sẽ không chịu được, bật gốc, chắc phải dùng biện pháp khác.”

“Nói một cách hình tượng là, cây tre Việt Nam hoàn toàn có thể bị con gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Việt Nam phải tìm phương cách khác” – ông Vulving nói.

BBC tiếp tục dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, nói rằng, ông “không thấy ấn tượng” trước “ngoại giao cây tre” của Việt Nam vì “chỉ mang tính biểu tượng”, ông quan tâm nhiều hơn đến “thực chất của các mối quan hệ”.

BBC dẫn thêm tác giả Thục Quyên từ Đức, hồi tháng 9/2023, bình luận:

“Cây tre Việt Nam có trụ được trong gió bão hay không, xét cho cùng là nhờ cái gốc vững hay không, và đây là vấn đề nội trị, là năng lực làm việc của bộ máy do Đảng Cộng sản lãnh đạo.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de