Tô Đại khó chiến thắng Thủ Chính trong cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư?

Nhiều động thái gần đây cho thấy, Chủ tịch nước Tô Lâm đang tìm cách loại bỏ Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư. Đó là biểu hiện về sự thất thế của Tô Chủ tịch trước Thủ Chính, dù ông đã trở thành người tạm nắm quyền Tổng Bí thư.

Theo giới thạo tin, tại thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính đang dẫn trước Tô Chủ tịch, với tỷ lệ sát sao 51/49.

Ông Tô Lâm đang có chính sách siết chặt quyền của người dân, và gia tăng làm lợi cho ngành công an. Việc tăng cường lực lượng an ninh cơ sở, hay cho phép lực lượng Cảnh sát Giao thông được hưởng trên 70% tiền phạt… là những minh chứng.

Có nhiều lý do khiến Tô Chủ tịch khó có thể vượt qua Thủ tướng Chính, để giành ghế Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng 14 tới đây.

Thứ nhất là mối quan hệ của Ban lãnh đạo Bắc Kinh, đối với ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

Ngay sau khi nhà nước Việt Nam công bố tin Tổng Trọng qua đời, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để thắp hương tưởng niệm. Sau đó, ông Tập đã cử ông Vương Hỗ Ninh – Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc, dẫn đầu đoàn Đại biểu Đảng và nhà nước Trung Quốc đến Hà Nội, để dự Quốc tang của Tổng Trọng.

Một nội dung quan trọng hơn mà ông Vương Hỗ Ninh sẽ thảo luận với Ban lãnh đạo Việt Nam, đó là về nhân sự thay thế cho Tổng Trọng. Chưa rõ, sự lựa chọn của Bắc Kinh là Tô Lâm hay Phạm Minh Chính?

Tuy nhiên, Thủ tướn Chính được cho là có lợi thế hơn ông Tô Lâm, vì từ khi ông Chính giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã được Ban lãnh đạo Bắc Kinh “chấm” sẵn.

Thứ nhì, ông Chính nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính nhận được sự ủng hộ của đa số giới chức tướng lĩnh quân đội và lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Thứ ba, tại Hội nghị Trung ương tới đây, dù là Hội nghị thường niên hay bất thường, thì Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng sẽ biểu quyết, thông qua Nghị quyết chính thức, để cử ra lãnh đạo kế nhiệm chức Tổng Bí thư. Đây là nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, lấy sự đồng thuận của số đông trong Đảng. Đây cũng là khó khăn rất lớn với ứng viên Tô Lâm.

Để vươn tới ghế Tổng Bí thư của Đại hội 14, Tô Chủ tịch phải vượt qua nhiều cửa ải. Ông phải nhận được đa số phiếu, từ hơn 1.500 đại biểu dự Đại hội 14, để được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương mới. Sau đó, ông phải được Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 bầu vào Bộ Chính trị. Cuối cùng, Tô Lâm phải được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương mới, chính thức bầu làm Tổng Bí thư của Đại hội 14.

Ông Tô Lâm hiện là lãnh đạo có quyền lực rất lớn trong Đảng, ông có quyền uy đối với đa số các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Bởi trong tay ông và Bộ Công an, có một tàng thư tập hợp các vết chàm của tất cả các lãnh đạo cấp cao, từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu kín tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, là điều mà ông Tô lâm không thể kiểm soát được. Kết quả kiểm phiếu cũng được công bố ngay lập tức. Khi đó, ông Tô Lâm sẽ trở tay không kịp.

Chủ tịch Tô Lâm hiện đã trở thành người tạm quyền Tổng Bí thư, điều này mang lại những lợi thế nhất định, trong cuộc chạy đua cho chức Tổng Bí thư, và cũng là cơ hội để ông đưa người của mình vào các vị trí trong Bộ Chính trị còn trống, để tăng cường sức mạnh cho phe Hưng Yên và cho chính ông.

Từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn 16 tháng, đây là thời gian đủ dài để các phe trong Đảng tìm mọi cách làm chủ tình thế, với mục đích tranh giành chiếc ghế quyền lực nhất trong Đảng.

 

Trà My – Thoibao.de