Ngày 3/8, VOA Tiếng Việt bình luận “Hậu Nguyễn Phú Trọng, “đốt lò” vẫn duy trì hay sẽ biến tướng?”.
Theo VOA, “đốt lò” là di sản chính của ông Trọng, được phát động khi ông lên nắm quyền vào năm 2011, được đẩy mạnh vào năm 2016, khi ông Trọng nắm nhiệm kỳ 2, và diễn ra quyết liệt nhất trong nhiệm 3 của ông.
Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 3, từ năm 2021 cho đến khi ông Trọng qua đời vào tháng 7/2024, đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị, hơn chục ủy viên Trung ương Đảng, cùng hàng trăm cán bộ các cấp bị kỷ luật, cách chức, và thậm chí bị xử lý hình sự. Điều này là chưa từng thấy trong lịch sử Đảng.
VOA đề cập đến bài viết của ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, với tựa đề “Tiếp tục tư tưởng, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, đăng tải ngày 29/7 trên Thông Tấn xã Việt Nam.
Bài viết xác nhận rằng, Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục chống tham nhũng, y như lúc ông Trọng còn sống.
VOA trích dẫn báo Người Lao Động, cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã chỉ thị cho lực lượng Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an, tập trung điều tra các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
VOA dẫn nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, từ Hà Nội, cho rằng, “chắc chắn công việc chống tham nhũng sẽ tiếp tục cho đến hết khóa 13” và “khả năng sẽ có rất ít điều chỉnh”.
“Theo thông báo, vẫn còn hơn 20 vụ được đưa vào theo dõi ở Ban Chỉ đạo Trung ương. Các vụ việc khác liên quan đến một số ủy viên Bộ Chính trị vẫn còn phải xử lý tiếp.”
Ông Hợp nhận xét, cho dù ai lên kế nhiệm ông Trọng, thì vẫn phải sẽ tiếp tục công việc này, vì các vụ án đã được đưa vào diện theo dõi từ trước khi ông Trọng ngã bệnh.
Tuy nhiên, ông Hợp vẫn chưa thể khẳng định, đến Đại hội 14 vào năm 2026, thì Đảng có tiếp tục xem chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu hay không, sau khi nó bộc lộ một số vấn đề như gây bất ổn chính trị, khiến cán bộ cấp dưới gần như không dám làm gì, và thậm chí còn được sử dụng như công cụ để đấu đá chính trị.
Ông Hợp phân tích:
“Ổn định chính trị vẫn là ưu tiên hàng đầu, vấn đề là có các quan niệm về ổn định chính trị khác nhau, cho nên, Tổng Bí thư kế nhiệm và Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ cần cân nhắc, ví dụ có tiếp tục chống các nhóm lợi ích gây bất ổn về nhân sự ở các cấp không.”
“Họ có thể có các điều chỉnh, nhấn mạnh việc xây dựng một nền quản trị quốc gia minh bạch, có trách nhiệm và nhân văn hơn.”
VOA dẫn đánh giá của nhà báo Lê Trung Khoa, từ Berlin, Đức, cho rằng, với những diễn biến trong thượng tầng chính trị Việt Nam thời gian qua, từ việc hàng loạt nhân vật trong Tứ trụ, cộng với Thường trực Ban Bí thư phải ra đi, nhiều khả năng, chiến dịch chống tham nhũng sẽ đi theo hướng tiêu cực.
“Tôi thấy rằng, nó sẽ không được tiếp tục theo cách như ông Trọng đã làm từ trước đến nay, mà nó sẽ biến tướng đi một cách mạnh mẽ hơn nữa, để trở thành đấu đá và loại bỏ các phe cánh không ăn cánh với mình.”
“Thực tế hiện nay, thực quyền nhất là ông Tô Lâm, sau đó còn có Thủ tướng Phạm Minh Chính. Họ đều ngang nhau, đều có cùng xuất phát điểm, đều từ Bộ Công an mà đi, từ cấp tướng mà đi. Do đó, họ rất hiểu nhau. Tới đây việc chống tham nhũng sẽ trở thành cao trào đấu đá lẫn nhau rất thô bạo” – ông Khoa dự đoán.
Khi ông Trọng còn sống, ông có thể hòa hoãn những phe phái khác nhau, vốn luôn muốn giành giật lợi ích.
Ông Tô Lâm là người “thực dụng”, và sẽ “không có động cơ chống tham nhũng để giữ tính chính danh của Đảng” như ông Trọng, vốn là người giáo điều chuyên ngành Xây dựng Đảng, ông Khoa phân tích.
Quang Minh – thoibao.de