Trung Quốc “tứ bề thọ địch” – Nội bộ Đảng nguy cơ khủng hoảng lên cao

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=PtQ88aqgmG0

RFI mới đây đã giới thiệu bài phân tích của hai tác giả Yuko Hayakawa – giảng viên tiếng Nhật trường EMBA Business School tại Quimper (tây bắc nước Pháp) và nhà báo Erwan Seznec trên tạp chí Conflit (Xung đột) (số ra tháng 9-10/2020) lý giải thế lực đang nắm giữ quyền quyết định tại Bắc Kinh hiện nay dưới cái nhìn của giới quan sát Nhật Bản.

Khác với cách nhìn của phương Tây, giới quan sát Nhật Bản, quốc gia có những mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc, có cái nhìn cẩn trọng hơn trong cách diễn giải các sự kiện ở Hồng Kông cũng như nội tình chính trị Trung Quốc.

Giới phân tích Nhật Bản cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn xa mới là một lãnh đạo đầy quyền lực. Tại Trung Hoa lục địa, có một sự trỗi dậy của công luận và nhất là những cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hai tác giả đã nhấn mạnh mối liên hệ phức tạp giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Quan hệ thương mại giữa hai nước lệ thuộc chặt chẽ với nhau. Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên nhiên liệu và khách hàng hàng đầu của Nhật Bản. Dù là đối thủ, nhưng hai nước có những mối hợp tác khá là hữu hảo.

Lịch sử và những mối quan hệ giao thương đã hình thành nên những mối quan hệ cá nhân chằng chịt giữa hai phía. Hai tác giả nhắc đến một con số khá ấn tượng : Năm 2019, hơn 15.000 người Nhật Bản tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tiếng Hoa. Chính vì những mối liên hệ đa chiều như vậy, nên các nhà hoạch định chính sách và ngay cả những công dân Nhật Bản bình thường nhất phân tích những gì xảy ra ở Hồng Kông với cái nhìn cẩn trọng hơn rất nhiều so với phương Tây.

Bởi vì, Trung Quốc không phải là một cường quốc xa xôi và mờ nhạt, mà đó là một láng giềng sát cạnh người ta có thể đi thăm trong ngày. Việc Bắc Kinh thô bạo nắm lại quyền kiểm soát ở Hồng Kông được diễn giải sắc bén hơn, xem đó vừa là một sự biểu dương sức mạnh, nhưng cũng là một lời thú nhận yếu kém đáng quan ngại.

Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe tổ chức cuộc gặp song phương trước hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 27/06/2019

Bằng cách điểm lại những phân tích trên truyền thông Nhật Bản, hai tác giả nhận định mục tiêu của Bắc Kinh tại Hồng Kông không chỉ đơn giản là muốn bóp nghẹt làn sóng phản đối.

Ông Miyamoto Yuji, cựu đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh, khi trả lời phỏng vấn trang mạng nippon.com ngày 12/03 phân tích rằng tại Trung Quốc, « ý kiến công luận tồn tại » và cuộc khủng hoảng Covid-19 là một bước ngoặt. « Phẫn nộ bùng nổ trong công chúng buộc chính quyền Trung Quốc phải công khai thừa nhận là phản ứng ban đầu với dịch bệnh là tồi ».

Hành xử của Trung Quốc đối với Hồng Kông có thể được lý giải là hành động của một chế độ lúng túng tìm cách kềm hãm đà đi lên mạnh mẽ của xã hội dân sự trên phạm vi toàn quốc.

Trên tuần báo Yu Kan Fuji ngày 01/07/2020, nhà nghiên cứu Hán học, Shi Ping cũng có nhận định ngược lại với phương Tây khi đánh giá Tập Cận Bình không phải là một lãnh đạo đầy quyền lực trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Ông cho rằng nhân vật số 1 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hứng lấy những chỉ trích. Theo ông, ngày 01/04, tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội), ông Tập Cận Bình bị thủ tướng làm cho « bẽ mặt ». Ông Lý Khắc Cường công khai nhắc rằng Trung Quốc vẫn có đến 600 triệu người sống trong cảnh bần hàn. Để có thể thấy được tầm mức quan trọng của phát biểu này, nên biết rằng ông Tập Cận Bình mong muốn đích thân thông báo thành tích xóa sạch nạn đói nghèo tại Trung Quốc nhân dịp lễ mừng 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 07/2021.

Báo chí Nhật Bản cho biết Thủ tướng Lý Khắc Cường không dừng ở đó. Ông còn bày tỏ một dấu ấn khác biệt với Tập Cận Bình khi công khai ủng hộ những người buôn bán vặt trên hè phố mà ông Tập Cận Bình muốn xóa sổ. Bởi vì, theo cách nhìn của Katsuji Nakazawa, chuyên gia về Trung Quốc trên tạp chí Asia Nikkei ngày 12/06, những tiểu thương này là biểu hiện của đầu óc doanh nghiệp, thậm chí là của sự dân chủ hóa đất nước.

Ông Takahashi Yoichi, một cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản trên tờ Gendai Business ngày 30/06/2020 có nhận định là Bắc Kinh đang tự bắn vào chân mình trên hồ sơ Hồng Kông.

Ông viết: « Trung Quốc đang đánh mất một thập niên chế độ lý tưởng : Một quốc gia, hai thể chế », vốn dĩ hòa hợp được chế độ chuyên chế và các nhà tư bản. Vị trí trung tâm tài chính thế giới của Hồng Kông có nguy cơ sụp đổ, « điều đó sẽ có lợi cho Nhật Bản ».

Để giải đáp câu hỏi ai thực sự cầm quyền ở Bắc Kinh, Narusghige Michishita, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu chính trị Quốc gia đưa ra những so sánh Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản của những năm 1930. Ông ghi nhận sự hiện hữu của một luồng hiếu chiến và hoang tưởng tự đại tại Trung Quốc. Thế nên có câu hỏi khác được đặt ra là: Phải chăng Tập Cận Bình là một lãnh đạo hay chỉ là một tên nô lệ?

Nhân vật số một có thể buộc phải dàn xếp với điều mà ông Narusghige Michishita gọi là « hệ thống » tức là một trào lưu mang đậm tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, say men tìm lại sự hùng mạnh của một nước « Đại Trung Hoa » và không ý thức được về những yếu tố bấp bênh như những gì tập đoàn quân sự Nhật Bản đã làm, đẩy đất nước lao vào đối đầu với Mỹ năm 1941.

Nhà hoạt động nhân quyền và trí thức Trung Quốc, chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2010, Lưu Hiểu Ba, trong một bài viết vào năm 2006, đã nhận xét chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã thuộc về chương trình nghị sự hàng ngày ở Đại lục.

Ảnh: Nhà hoạt động nhân quyền và trí thức Trung Quốc nối tiếng thế giới Lưu Hiểu Ba

Ông viết:

Giờ khắc Phục hưng của dân tộc Trung Hoa vĩ đại đang đến”, hay “Thế kỷ 21 là thế kỷ Trung Quốc”, hay “Trung Quốc sắp thay thế Hoa Kỳ đứng đầu thế giới”, cả báo chí nhà nước lẫn những cái miệng của giới tinh hoa chính trị đều không ngừng tuôn ra những đại ngôn như vậy. Cái chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt được mọi phong trào phản Mỹ, phản Nhật, phản Đài ủng hộ đó thường sặc mùi máu. Mỗi khi có xung đột Trung-Mỹ, Trung-Nhật xuất hiện, hay có sự kiện Trung-Đài nào xảy ra, trên mạng lập tức có những kẻ đồng thanh đòi nợ máu. Nhiều người được gọi là chuyên gia cũng thường xuyên hòa giọng vào giàn đại hợp xướng khiêu khích chiến tranh đó.

Thành tựu của mọi người Hoa ở phương Tây, bất kể là công dân Đại lục hay chỉ cần gốc Hoa, đều như một thứ ma túy được truyền thông Trung Quốc dùng để gây một cơn say tập thể, khiến cả quốc gia chuếnh choáng trong một tinh thần ái quốc sặc mùi vĩ cuồng…

Tinh thần AQ tưởng đã chết từ lâu, vậy mà giờ đây nó hiện diện khắp nơi. Trên màn ảnh truyền hình, hết nhà Hán đến nhà Đường, nếu không thì triều Khang Hi hay triều Càn Long thay nhau hưng thịnh. Đại tướng diệt Hung Nô Hoắc Khứ Bệnh hay Nguyên Thái tổ Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa chinh chiến khắp lục địa Á-Âu; đô đốc Trịnh Hòa, vị thủy sư Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu vào thế kỷ 15, hay Khang Hi và Càn Long, những hoàng đế đã mở mang bờ cõi Trung Hoa – kỳ tích của các nhân vật lịch sử đã bành trướng Trung Hoa vừa được dùng để vuốt ve lòng sĩ diện của người Trung Quốc hiện nay, vừa để củng cố quan niệm truyền thống về Trung Quốc, đế chế ở trung tâm thiên hạ, và kích thích dục vọng bá quyền.

Và nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba đã nêu lên những hậu quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc mà sau gần 15 năm kể từ thời điểm bài viết ra đời, nó vẫn còn nguyên giá trị.

Ảnh: Hàng nghìn người diễu hành ở Hồng Kông để tưởng nhớ Lưu Hiểu Ba

Ông viết:

…sự thật không thể chối cãi là chủ nghĩa dân tộc đó bị một chính quyền độc tài công cụ hóa, và cái dân tộc đang mụ mẫm trong tinh thần dân tộc đó đang đánh mất lý trí của mình, đang mù trước những giá trị phổ quát toàn thế giới và sẵn sàng nhai lại những thủ pháp tu từ về độc tài và bá quyền. Cái quan niệm kinh hoàng và ngu muội về mình như quốc gia duy nhất dưới gầm trời, như thuở nào dưới thời các hoàng đế Trung Hoa, đã lan chóng mặt và một lần nữa đẩy Trung Quốc tới ranh giới nguy hiểm; một phần khá lớn người Trung Quốc đã đánh mất mọi khả năng sử dụng lý trí và tin tuyệt đối vào những giấc mộng được nuôi dưỡng bằng cuồng vọng của một chính quyền độc tài. Tình hình đã nguy tới mức đồng bào tôi đang đê mê trong các huyền thoại hư cấu chỉ còn một mắt để ngắm sự trỗi dậy huy hoàng của Trung Quốc và kiên quyết khước từ mặt trái ê chề của sự trỗi dậy đó. Lời khen từ phương Tây thì họ dỏng tai nghe, lời phê thì họ làm như tai điếc.

Đáng nản hơn nữa là cơn cuồng dân tộc ngạo mạn này bắt nguồn từ một ý thức dân tộc thiếu vắng mọi tiêu chí văn minh, một thứ luân lý man khai, một tâm thức chủ-nô. Trước kẻ mạnh thì cam phận bề dưới, trước người yếu thì lên mặt bề trên. Thất bại thì tự ti quá mức, lại còn đắc ý được an phận tôi đòi. Thành công thì mục hạ vô nhân, dương dương tự phụ như làm ông chủ cả thế gian. Một dân tộc với một ý thức dân tộc như vậy thật khó mà tiến lên thành một nền văn minh với cảm thức về phẩm giá của chính mình. Đồng bào tôi tiếp thu tất cả những gì từ trên ban xuống, kể cả trấn áp và lừa mị, như những đứa trẻ tuân lời người lớn. Họ không có não, không có lòng tự trọng và không có tư cách, như thể họ không biết tự suy nghĩ và không biết tự chọn đường mà đi. Kẻ thống trị dụ họ bằng tiểu ân tiểu huệ, dọa họ bằng roi vọt, ngu trí họ bằng ca vũ thăng bình, và đầu độc tâm hồn họ bằng những lời dối trá.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Ép doanh nghiệp ký kết – Đảng “chôn” tỷ Đô trên sa mạc

>>> Tướng, Tá bị bị chôn vùi – Cứu hộ hay Cứu của?

>>> Đảng lo “lộ” quan tham – Tứ trụ Đại hội 13 được giấu kỹ

https://www.youtube.com/watch?v=xvgBCNcB9Go
Bị bao vây – Tập “cuống cuồng” kêu gọi sẵn sàng chiến đấu

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT